Cân bằng cán cân thương mại
Năm 2017, Việt Nam áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cân đối yếu tố chính sách xã hội. Biện pháp này đã và đang phát huy tác dụng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước, hạn chế một phần ảnh hưởng tiêu cực của biến động giá trên thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - cho biết, trước khi áp dụng thuế tự vệ, cơ quan điều tra đã cân nhắc kỹ và đánh giá các tác động; đồng thời việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần đã tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển. Kể từ khi áp thuế tự vệ, lượng tiêu thụ nội địa DAP, MAP tăng lên trong nhiều năm, còn lượng DAP, MAP nhập khẩu giảm dần. "Điều này cho thấy, ban hành thuế tự vệ đã góp phần điều chỉnh cán cân thương mại về mặt hàng phân bón; tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước đứng vững và từng bước phát triển, giảm sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu" - ông Sinh ghi nhận.
Áp thuế phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mía đường |
Nêu rõ quan điểm về lý do giá phân bón đang tăng cao nhưng không bãi bỏ thuế PVTM đối phân bón DAP, MAP để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, giá phân bón tăng đều trên phạm vi toàn thế giới, chứ không phải chỉ phân bón DAP, MAP nhập khẩu bị áp thuế phòng vệ nên tăng giá. Bên cạnh đó, trong bất kỳ một vụ việc điều tra PVTM nào, quyền lợi của người tiêu dùng luôn được Bộ Công Thương xem xét một cách đúng đắn nhất, thể hiện qua quy trình điều tra và các bên liên quan đều được quyền lên tiếng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuân thủ quy định
Tính đến tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ, ngoài phân bón DAP, MAP là các mặt hàng như: Kính nổi, các sản phẩm thép, dầu ăn, bột ngọt, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường mía. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định duy trì biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, do mặt hàng nhập khẩu này là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có 14 FTA đã đi vào thực thi, đầu năm tới có thêm Hiệp định RCEP, điều này đồng nghĩa với nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi hơn, thuế nhập khẩu cũng theo lộ trình giảm dần tùy cam kết trong từng FTA. Theo Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng, sử dụng công cụ phòng vệ, coi đây là "phao cứu sinh" để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay nhận trợ cấp từ chính phủ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục PVTM nhấn mạnh, gia tăng sử dụng biện pháp PVTM, nhưng chúng ta phải am hiểu luật chơi và tuân thủ đúng quy định của WTO. Như, đơn đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ phải là đại diện của ngành, chứ không phải doanh nghiệp riêng lẻ; phải chứng minh được có hành vi bán phá giá, trợ cấp cũng như gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương): Thời gian tới, Cục PVTM sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá, rà soát các biện pháp PVTM một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật, tính tới tình hình thị trường, quyền lợi của người sử dụng. |