Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sắp mạnh thành bão Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở miền Trung: Vùng mưa dịch chuyển ra miền Bắc Tháng 12, không khí lạnh sẽ diễn biến ra sao? |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng ngày 20/12, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua khu vực phía nam đảo Palawan (Philippines), đi vào Biển Đông.
Hồi 7 giờ ngày 20/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,8 độ vĩ bắc; 116,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Đến 8 giờ ngày 21/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,2 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, trên khu vực phía tây quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới |
Đến 8 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,2 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, trên khu vực phía tây nam vùng biển quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 150km và suy yếu dần.
Sáng nay (20/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các nơi ở Trung Trung bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8.
Dự báo diễn biến không khí lạnh: Trên đất liền ngày 20/12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung bộ và một số nơi ở Nam Trung bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 4-5.
Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến từ 9-12 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 5-8 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phổ biến từ 14-17 độ.
Trên biển: ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,5m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Cảnh báo khả năng xuất hiện thiên tai đi kèm: Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12; Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to.
Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế - xã hội: Mưa lớn cục bộ có khả năng gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 19/CĐ-QG đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. |