Bộ Công Thương tăng cường hợp tác thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh |
Về bản chất, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là quá trình tìm kiếm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường thông qua thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất và tiêu dùng xã hộ, hướng tới đạt được trạng thái cân bằng, hài hòa giữa ba yếu tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, tối đa hoá sản lượng kinh tế, trong khi giảm thiểu gánh nặng sinh thái, bảo đảm không để ai ở lại phía sau, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường sống của các thế hệ mai sau. Đây là sự lựa chọn có tính thời đại và mang tầm vóc toàn cầu trên hành trình phát triển và hội nhập bền vững trong tương lai.
Đến nay, ngày càng nhiều quốc gia xây dựng và triển khai “GDP xanh” (Green GDP) như một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; đồng thời, xây dựng và có chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những sản phẩm xanh, được cấp nhãn sinh thái (Eco-label), những sản phẩm đăng ký và được cấp chứng chỉ ISO-14000, những chuỗi giá trị cung-cầu xanh, các dòng chảy mậu dịch và đầu tư xanh.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), vào năm 2030, nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xanh, như năng lượng, xây dựng, vận tải trên toàn cầu có thể lên tới 563 tỷ USD, ngoài nhu cầu 100 tỷ USD thích ứng với biến đổi khí hậu. Tính chung giai đoạn 2011-2050, các khoản tín dụng và đầu tư xanh trên toàn cầu có thể sẽ đạt 3,9 nghìn tỷ USD.
Mỹ, từ tháng 11/2009, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ phải chuyển sang mô hình “kinh tế các-bon thấp”, tăng trưởng bền vững, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và muốn trở thành nước đi đầu trong công nghệ sạch. Chủ trương này được thể chế hóa trong một số đạo luật, như đạo luật AB 32 liên quan đến tiêu chuẩn môi trường, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm và phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Những ngành công nghệ tốt cho môi trường đứng hạng thứ ba trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, sau viễn thông và công nghệ sinh học. Thị trường sản xuất và dịch vụ môi trường ước tính mỗi năm mang lại 1.370 tỉ USD. Chính phủ Mỹ chi tới 80 tỉ USD để thực hiện các dự án xanh, trong đó có 20 tỉ USD chi cho năng lượng tái sinh, 22 tỉ USD cho việc sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên và dành 15 tỉ USD mỗi năm, từ năm 2012, phát triển công nghệ năng lượng sạch, như gió và mặt trời, tăng gấp đôi nguồn cung năng lượng tái sinh. Chính phủ khuyến khích việc sử dụng hầm Biogas, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế, không sử dụng hoá chất diệt côn trùng được thực hiện ở các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn, cũng như xây dựng “nhà không dây điện” và nhà công sở xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác. Việc quy hoạch giải phân cách xanh là yêu cầu bắt buộc trong hệ thống giao thông, nhất là đối với các đường cao tốc…
Ở các nước Tây Âu và Nhật bản, từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi theo hướng thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên, đầu tư vào khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R), đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành cac bon thấp. EU đầu tư 105tỷ € từ trước 2013 để phát triển “nền kinh tế sạch”. Ở Đức, lĩnh vực công nghệ môi trường có thể sẽ phát triển gấp 4 lần và chiếm 16% ngành sản xuất công nghiệp từ nay đến năm 2030 và sẽ mang lại nhiều việc làm hơn cả lĩnh vực sản xuất xe hơi và máy móc - hai ngành công nghiệp mũi nhọn của Đức - cộng lại. 148 tỉ USD đã được đầu tư vào các ngành công nghệ sạch vào năm 2007, tăng 60% so với năm 2006. Nhật Bản tích cực giảm thiểu cac-bon, thực hiện triệt để 3R và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và từ cuối năm 2009 phát động chiến lược tăng trưởng mới, tập trung vào hai ngành công nghiệp mới là ngành môi trường và năng lượng, ngành y tế. Việc đầu tư vào hai ngành này dự kiến đến năm 2020 tạo ra thị trường mới tương đương 1 triệu tỷ Yên.
Nhóm các nước mới nổi như Hàn quốc, Singapore không phải trả giá nhiều cho môi trường nhờ tiếp nhận công nghệ mới của các nước công nghiệp phát triển và những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. Ngay từ đầu, họ đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, và hiện tiếp tục phát triển theo xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế cac bon thấp” và hướng tới nền kinh tế xanh. Từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỷ USD để dùng cho sự chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Mới đây, tại hội chợ Barcelona, hãng Samsung trình làng mẫu điện thoại di động đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng mặt trời, báo hiệu công nghệ xanh được ứng dụng sang các sản phẩm đời sống số. Hàn Quốc còn đầu tư hàng chục tỉ USD nhằm phát triển lĩnh vực công nghiệp và kỹ thuật xanh cùng công nghiệp mũi nhọn tổng hợp. Chính phủ cũng đã cho xây dựng hệ thống vận tải xanh, bao gồm đường sắt thải ít khí cac-bon và 3.000km đường xe đạp quanh bốn con sông xanh. Khoảng 2 triệu ngôi nhà xanh và văn phòng làm việc sử dụng ít năng lượng và điện sẽ được xây dựng.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, thiếu hụt tài nguyên và năng lượng cho phát triển kinh tế theo xu hướng ngày càng trầm trọng. Một báo cáo môi trường của Trung Quốc đã phải thừa nhận hầu hết thành phố lớn của nước này không đạt chuẩn quốc gia về không khí; 60% nguồn nước ngầm; 16,1% đất đai nói chung và 19,4% đất nông nghiệp nước này đã bị nhiễm độc, dẫn đến nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Trung Quốc bị nhiễm độc. Thách thức đó đã buộc Trung Quốc tăng tiết kiệm tài nguyên, nhấn mạnh bảo vệ môi trường và GDP xanh, khuyến khích đổi mới kỹ thuật, sản xuất xanh và phát triển bền vững. Tập trung quy hoạch lại và thay thế dần các nhà máy sản xuất cũ gây ô nhiễm, phát triển công nghệ môi trường, chế tạo ô tô sử dụng năng lượng sạch, sản xuất điện gió và mặt trời, du lịch và công nghệ cao
Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh có trình độ công nghệ thấp, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu tài nguyên, lao động giá rẻ…nên việc tiếp cận mô hình phát triển kinh tế xanh sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Những dữ liệu thực tế này cho thấy, tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai, là tăng trưởng cần thiết trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái trên toàn thế giới, như một phương thức tối ưu để ngăn chặn những thách thức của biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống con người, được nhiều quốc gia lựa chọn là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp: tài nguyên trên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.