Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 3 yếu tố gây trở ngại đến việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 là: Tổng cầu tăng đột biến, giá cả nguyên vật liệu tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng, kể cả trong nước và quốc tế.
Về vấn đề tổng cầu, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, tổng cầu trong năm 2022 đã tăng mạnh so với năm 2021. Bên cạnh đó, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau một thời gian bị đình trệ, nhu cầu lao động tăng cao. Nếu tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra cũng tác động đến lạm phát, bởi thiếu lao động, doanh nghiệp tốn thêm chi phí để tuyển dụng, đào tạo...
Giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát |
Thêm nữa, nền kinh tế trong nước phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, tổng cầu thế giới tăng dẫn đến tình trạng nguyên, vật liệu cũng tăng giá, có mặt hàng tăng gấp 2 lần so với đầu năm. Như vậy, nguy cơ nhập khẩu lạm phát không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát cao trên thế giới. Đứt gãy chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt… khiến lạm phát châu Âu tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm, lên tới 5,1% trong khi mục tiêu điều hành chỉ khiêm tốn 2%. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng đẩy giá một loạt hàng hóa khác tăng, gây áp lực rất lớn đối với lạm phát. Cùng với đó giá lương thực cũng tăng. Mới đây, FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) đã công bố chỉ số giá lương thực của thế giới tăng cao nhất trong 61 năm qua, so với đầu năm đã tăng 24,1%. Giá lương thực thế giới tăng sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Định – Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 có thách thức lớn, bởi áp lực trong việc thực hiện lộ trình của giá dịch vụ công theo yêu cầu của Chính phủ trong năm 2021 chưa thực hiện được sẽ chuyển sang năm 2022.
Lạm phát cao sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, hình thành mặt bằng giá mới. Khi đó, tất cả những quyết định về sản xuất, kinh doanh, đầu tư đều phải tính toán trên mặt bằng giá mới và làm cho mọi chi phí đều cao hơn. Mặt bằng giá mới sẽ khiến thu nhập thực của người dân bị giảm, làm giảm sức chi tiêu nên tác động rất mạnh đến nền kinh tế.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để kiểm soát lạm phát trong năm 2022, yếu tố đầu tiên là phải kiểm soát được nguồn cung. Cùng với đó, không để đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, địa phương với nhau, cũng như chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam. Một yếu tố nữa để kiểm soát lạm phát là điều hành chính sách tài chính tiền tệ sao cho hợp lý và linh hoạt.
Liên quan đến lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ công, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để tránh gây tác động mạnh đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, công tác điều hành giá cần phải triển khai quyết liệt ngay từ quý I, quý II, vì đây được coi là thời điểm bản lề của năm 2022 |