Xây dựng giải pháp ưu đãi mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất và khuyến nghị cải cách chính sách |
Tại hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” do trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh cần có sự phân tích tác động toàn diện tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam.
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như thực tiễn, cung cấp một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị doanh nghiệp thảo luận về ảnh hưởng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam.
Tại hội thảo, PGS. TS Lê Trung Thành Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo một số nghiên cứu, việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến dòng FDI vào quốc gia. Khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế không còn là tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Toàn cảnh hội thảo |
Trong nhiều năm qua, ưu đãi miễn, giảm thuế là công cụ quan trọng trong thu hút FDI tại Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao của nhiều tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia đến đầu tư kinh doanh với mức vốn đầu tư cam kết và thực hiện ngày càng tăng.
“Với thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng điều chỉnh sẽ phải nộp phần thuế bổ sung về quốc gia của công ty mẹ tối cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn cũng như kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp này, đồng thời ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, từ đó tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam cũng có khả năng chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sau năm 2024”, ông Thành nhìn nhận.
PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu |
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được cho là có tác động nhiều chiều với Việt Nam. Dẫn số liệu của Tổng cục Thuế, bà Thu cho biết, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu chính sách này được thực thi từ năm 2024.
“Các nhà đầu tư sẽ chuyển sự quan tâm đến lợi thế về chính sách hỗ trợ, chi phí nhân công, hỗ trợ của Chính phủ, chính sách pháp luật bảo vệ, thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi mới mà nhiều điểm trong số này đang là điểm yếu của Việt Nam”, bà Thu nói.
Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực đã đưa ra những nhìn nhận cụ thể về các tác động của áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Về tác động tích cực, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc triển khai sẽ giúp tăng cường hội nhập của Việt Nam một cách chuyên nghiệp cũng như góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là dịp Việt Nam cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư một cách quyết liệt hơn.
“Tuy nhiên Việt Nam cần tránh hiện tượng “lấy mỡ nó rán nó” với việc có thêm các nguồn thu thuế này”, ông Lực lưu ý.
Về tác động tiêu cực, sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng có thể làm phát sinh thêm chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.
Ông Lực và nhiều chuyên gia tại Hội thảo cũng lưu ý thêm là cần tiếp tục có những phân tích thấu đáo, tránh hời hợt về những tác động của áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam cũng như tăng cường sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành.
Các diễn giả tham gia Hội thảo |
Các kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo Một là, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn là, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh - đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững. Hai là, Bộ Tài chính sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, về kế toán phù hợp, cũng như phù hợp với quy định trong các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024). Ba là, để bù lại, bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam và đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024. Bốn là, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan (như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng...). Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách khác ngoài thuế. Năm là, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững. Sáu là, khẩn trương ưu tiên kiện toàn và nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Cuối cùng, cần xây dựng lộ trình triển khai công tác chuẩn bị từ nay đến hết năm 2023 và sau này, bao gồm các qui định nội luật hóa, quy trình – thủ tục kê khai thuế phù hợp khi áp dụng thuế suất này theo hướng dẫn phù hợp của OECD. |