Nhưng với việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden hiện được dẫn trước Tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò, các nhà đàm phán của Mỹ đang phải đối mặt với triển vọng thay đổi đội hình đàm phán trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự khó lường cực độ của chính sách Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử có nghĩa là những gì có thể hoặc không thể đạt được trong thương lượng Mỹ - Anh là điều chưa thể biết được.
Cách mà cuộc bầu cử tháng 11 sẽ diễn ra có thể định hình lại tương lai của thỏa thuận thương mại Anh - Mỹ theo hướng Anh không thể kiểm soát và cơ hội đạt được thỏa thuận trước cuối năm nay là rất nhỏ. Tuy nhiên, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp của Anh không mong đợi nhiều ưu tiên thương mại của Mỹ sẽ thay đổi đáng kể ngay cả khi có sự chuyển đổi trong Nhà Trắng.
Trong một báo cáo của nhóm nghiên cứu chính sách đã lập luận "Brexit nhấn mạnh sự cần thiết cho Vương quốc Anh đánh giá lại mối quan hệ của mình với ba trung tâm kinh tế và địa chính trị lớn của thế giới, đó là Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu”. Đối với Anh, điều đó có nghĩa là giá trị của một thỏa thuận với Mỹ "mang tính địa chiến lược như thương mại". Ngoài ra còn có một số ý kiến ở Anh hy vọng các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ làm tăng áp lực lên Liên minh châu Âu, hỗ trợ các cuộc đàm phán song song của Anh với khối liên minh.
Trong khi cả hai bên đều lạc quan về một thỏa thuận nhanh chóng vào tháng 9 năm ngoái, sau đó là thời hạn tháng 7/2020, và bây giờ hạ thấp triển vọng của một thỏa thuận vào cuối năm nay. Thành thật mà nói, việc đàm phán sẽ mất thời gian và như phát ngôn viên của Bộ Thương mại Quốc tế Anh nhấn mạnh rằng, không có khung thời gian cụ thể cho một thỏa thuận. Trọng tâm của Anh là nhận được một thỏa thuận vì lợi ích tốt nhất của Anh.
Nếu ông Trump mất phiếu bầu vào tháng 11 tới, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) có thể thúc đẩy đạt được thỏa thuận trước khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, các quan chức Anh vẫn có thể quay lại bàn đàm phán sau khi nhân sự của USTR được thay thế. Và nếu đảng Cộng hòa duy trì quyền kiểm soát Thượng viện, thì cũng có thể là vài tháng trước khi tất cả các ứng cử viên của Nội các mới được chấp thuận. Các đề cử khác, chẳng hạn như cho vị trí bộ trưởng ngoại giao hoặc quốc phòng, có khả năng được ưu tiên hơn vị trí của USTR, điều này có thể sẽ gây ra nhiều sự chậm trễ hơn.
Bất cứ ai thắng cử tổng thống ở Nhà Trắng vào năm tới đều phải kết thúc các cuộc đàm phán với Anh trước ngày 01/4/2021 để đủ điều kiện “đàm phán nhanh” và nhanh chóng thông qua tại Quốc hội. Điều này là do khả năng Quốc hội sẽ cho thời hạn một thỏa thuận “đàm phán nhanh” vào ngày 30/6/2021 và Nhà Trắng phải thông báo cho Quốc hội về các kế hoạch trong 90 ngày để đưa ra một thỏa thuận như thế.
Một tình huống phức tạp khác có thể xảy ra nếu ông Biden không “hào hứng” với việc ký kết một thỏa thuận thương mại lớn với Anh và thay vào đó tập trung vào các chính sách hướng Đông mà chính quyền Obama chưa hoàn thành. Điều này có khả năng Mỹ sẽ tham gia lại Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương mà chính quyền Tổng thống Trump từ bỏ vào đầu năm 2017. Sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định đó, 11 quốc gia còn lại đã thực hiện một số điều chỉnh và tiến tới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tháng 7, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã đặt tầm quan trọng của các cuộc đàm phán của chính phủ đối với khối châu Á - Thái Bình Dương ngang bằng với thỏa thuận với Mỹ khi Anh tìm kiếm thêm các lựa chọn cho liên kết địa chính trị hậu Brexit.
Anh đã giả định rằng, nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc đua tháng 11, Anh không cần phải thực hiện một thỏa thuận thương mại song phương vì cả hai nước có thể hoàn tất đàm phán bằng cách tham gia CPTPP. Các quan chức trong chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng đã giảm mong muốn đối với các thỏa thuận thương mại quy mô lớn. Nhưng cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc, và các cựu quan chức của chính quyền Tổng thống Trump cho rằng cả hai bên có thể đạt được từ một thỏa thuận Mỹ - Anh.
Có những lý do thực tế rất quan trọng tại sao cả hai nước đều quan tâm đến một FTA. Cả hai nền kinh tế dựa trên thị trường có lịch sử giao dịch lâu dài và có mối quan hệ chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực thương mại quốc tế và từ quan điểm của Mỹ, Anh sẽ là nền kinh tế lớn nhất mà nước này từng thực hiện một FTA. Cả hai quốc gia đều có các ngành dịch vụ mạnh và bảo vệ mạnh mẽ cho quyền sở hữu trí tuệ. Nó có ý nghĩa cho hai bên để thể hiện một thỏa thuận phản ánh tình hình đó và trở thành một mô hình cho các hiệp định thương mại khác.
Về mặt địa chính trị, FTA này sẽ nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và Vương quốc Anh và giúp Washington tăng cường giải quyết một loạt vấn đề với cả Trung Quốc và EU. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề khó khăn cho các nước phải giải quyết khiến cho một thỏa thuận trong năm nay khó xảy ra. Đặc biệt, về nông nghiệp là lĩnh vực mà Anh có sự phản đối mạnh mẽ việc cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm thịt của Mỹ vì lo ngại về phúc lợi động vật, bao gồm cả thuốc thú y được sử dụng bởi các nhà sản xuất và phương pháp của Mỹ được sử dụng để khử trùng gia cầm giết mổ.
Phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, nước này đã thể hiện rõ lập trường sẽ không ký một thỏa thuận thương mại làm tổn hại đến các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm. Thịt gà được khử trùng bằng clo và thịt bò được tiêm hormone là không được phép nhập khẩu vào Vương quốc Anh. Điều này sẽ được giữ lại thông qua Đạo luật Brexit của EU và được ghi trong luật của Anh vào cuối thỏa thuận chuyển đổi Brexit.
Một vấn đề khó khăn khác là quyết định của Anh về việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Mỹ coi là thuế quan phân biệt đối xử đối với các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ như Google, Facebook và Amazon. Các nhà lập pháp chính của Mỹ đã báo hiệu rằng họ khó có thể phê chuẩn FTA với Anh trừ khi có giải pháp thuận lợi.
Trong một tuyên bố chung của Ủy ban Tài chính Thượng viện đưa ra vào cuối tháng 7, cho biết, việc đơn phương áp đặt thuế phân biệt đối xử mà không công bằng nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ gây tổn hại đến nỗ lực đạt được giải pháp đa phương và làm phức tạp một cách không cần thiết cho một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh. Tuy nhiên, nhiều công ty Mỹ, và đặc biệt là những công ty có hoạt động tại Anh quan tâm đến kết quả của các cuộc đàm phán của Anh-EU hơn là các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và London.
Đối với các chuyên gia phân tích chính sách kinh tế quốc tế tại Mỹ, cuộc đàm phán FTA với Anh mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế, nhưng có thể mang lại lợi ích thương mại nếu phá vỡ nền tảng mới về tự do hóa thương mại và hội tụ các quy định tiêu chuẩn. Để làm được điều đó, cả hai bên cần phải linh hoạt và sáng tạo trong các vấn đề như nông nghiệp, đầu tư, thương mại kỹ thuật số và dịch vụ tài chính.