Anh thừa nhận thành công của quân đội Nga ở Ukraine
“Nga đang đạt được những lợi thế chiến thuật trên đất liền”, ông Radakin nói trong cuộc phỏng vấn với Sky News.
Tuy nhiên, ông Radakin bày tỏ sự tin tưởng vào chiến thắng của Ukraine và chỉ ra rằng vào tháng 3/2022, 17% lãnh thổ Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga, trong khi hiện tại là 11%.
Quan chức Quốc phòng Anh lưu ý, Nga không muốn xảy ra chiến tranh với NATO hay chiến tranh hạt nhân, nhưng hiện tại đang có sự đối đầu giữa phương Tây và Nga về kinh tế, hậu cần, sản xuất quân sự và chính trị. Ông cũng cảnh báo không nên sử dụng “ngôn ngữ mơ hồ” về cách tiếp cận của Thế chiến thứ ba.
“Chúng ta cần phải cẩn thận để phân biệt giữa những mối đe dọa thực sự nghiêm trọng và sâu sắc vào cuối những năm 1930 với cách chúng ta bước vào cuộc chiến tranh thế giới, đồng thời không sử dụng ngôn ngữ mơ hồ rằng bằng cách nào đó chúng ta đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới. Mặc dù hiện tại mọi động thái đều nguy hiểm hơn một chút nhưng chúng ta phải bình tĩnh với những gì chúng ta có”, ông Radakin bày tỏ.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson đã giải thích, Moscow sẽ không tấn công các nước NATO, điều này là vô nghĩa.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, các chính trị gia phương Tây thường xuyên đe dọa người dân của họ bằng mối đe dọa tưởng tượng từ Nga nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ, nhưng những người thông minh hoàn toàn hiểu rõ đây là mối đe dọa giả mạo.
Ông Putin nhấn mạnh, các nước phương Tây bắt đầu hiểu thất bại chiến lược của Nga trong cuộc xung đột với Ukraine là không thể xảy ra, vì vậy họ nên suy nghĩ về các bước đi tiếp theo, trong khi Nga sẵn sàng đối thoại.
NATO không đủ nguồn lực để cung cấp cho Ukraine
Chỉ huy phân đội, Phó trưởng phòng công tác chính trị-quân sự của Bộ Quốc phòng Nga Apty Alaudinov cho biết, nguồn lực của NATO đang cạn kiệt, không đủ để ngăn chặn bước tiến của quân Nga.
“Ukraine được cung cấp Javelin, HIMARS, Storm Shadow, lựu pháo M777 và các loại vũ khí khác. Tuy nhiên, nguồn lực của NATO đã gần cạn kiệt, thậm chí không thể cung cấp đủ vũ khí và thiết bị để hỗ trợ Ukraine. Trong khi Kiev cũng đang cạn kiệt nguồn nhân lực”, ông Alaudinov nhấn mạnh.
Lực lượng vũ trang Ukraine. Ảnh: AP |
Gần đây, Ukraine bắt đầu nhận được các thiết bị và vũ khí quân sự mới từ Mỹ, nhưng nguồn nhân lực suy giảm đang là yếu tố ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu.
Trong lúc Ukraine cố gắng bù đắp khoảng trống trong quân đội, các nước thành viên NATO đã bóng gió về kế hoạch triển khai huấn luyện viên quân sự tới Ukraine để đào tạo tại chỗ.
Trên thực tế, Ukraine đang gặp khó khăn trong cả việc tìm kiếm và đào tạo tân binh. Ngoài ra, các cuộc tấn công tầm xa của Nga còn khiến Ukraine không có khu vực an toàn để huấn luyện quân. Điều này khiến Kiev có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi binh sĩ đến các nước NATO để đào tạo và học cách sử dụng thiết bị mới do phương Tây cung cấp.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Washington đánh giá, “rất khó để cân bằng giữa việc rút những binh sĩ có kinh nghiệm từ tiền tuyến để đào tạo nhân sự mới, hoặc chấp nhận những trở ngại trong việc đào tạo tân binh ở Ukraine”.
Theo ISW, chất lượng tổng thể của quân đội Ukraine trên tiền tuyến có thể sẽ bị suy giảm khi các tay súng có kinh nghiệm luân chuyển ra ngoài, nhưng các tân binh có thể sẽ học hỏi nhanh hơn khi hoạt động bên cạnh các cựu binh.