Ca sỹ Anh Thơ sinh ra và lớn lên tại thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Một vùng đất nghèo nhưng thấm đậm “tình quê”. Có lẽ đây là “giọt sữa” đầu tiên nuôi dưỡng tầm hồn, cốt cách của Anh Thơ trên con đường âm nhạc sau này.
Ca sỹ Anh Thơ |
Mặc dù gia đình chị không ai theo nghề ca hát, nhưng từ nhỏ Anh Thơ đã thích nghe và hát theo những bài hát, giai điệu dân gian trên đài phát thanh. Lớn lên, chị theo học hệ cao đẳng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Thanh Hóa, sau đó chuyển ra Hà Nội học hệ đại học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Trong thời gian này, Anh Thơ đã liên tiếp giành được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi ca hát chuyên nghiệp: Giải nhất Tiếng hát truyền hình Hà Nội 1998; Giải 3 Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999; Giải nhì nhạc thính phòng toàn quốc 2000; Giải nhất giọng ca Sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam 2001...
Khi đã thành danh, việc lựa chọn cho mình một con đường, phong cách âm nhạc là không khó. Thời đó, dòng nhạc trẻ đang rất thịnh hành, ca sỹ hát về dòng nhạc đó thu nhập khá cao, cuộc sống khá đầy đủ, nhưng Anh Thơ lựa chọn con đường theo dòng nhạc dân gian, trữ tình, cách mạng gắn với quê hương, đất nước.
Chị nói: “Biết là khó khăn, vất vã nhưng tôi vẫn lựa chọn vì tình yêu, vì đam mê và vì cốt cách của mình. Tôi luôn trăn trở và ấp ủ đóng góp “một điều gì đó” cho dòng nhạc này”. Chính vì vậy mà Anh Thơ luôn nỗ lực, miệt mài học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn để đáp ứng và cống hiến thật nhiều cho công chúng.
Hiện nay, đang trong độ chín của sự nghiệp, tiếng hát của Anh Thơ đã lan tỏa đến mọi miền đất nước. Dù ở sân khấu nào, khi nghe Anh Thơ hát khán giả đều đắm mình trong những lời hát trong sáng, tinh tế, tràn ngập cảm xúc và thấm đẫm âm hưởng dân ca, cùng với kỹ thuật thanh nhạc điêu liệu.
Đặc biệt thông qua những bài hát:“Khúc hát sông quê”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Về quê”, “Làng quan họ quê tôi”, “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, “Bắc Hà yêu thương”, “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Quảng Nam yêu thương”, “Mơ quê”, “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Dáng đứng Bến Tre”... Anh Thơ đã thổi “hồn quê” vào trong từng câu hát, đã mang “hồn quê” đến với mọi người, mọi miền đất nước.
Một khán giả 62 tuổi ở Hà Nội (quê Nghệ An) đã nói:“Trong những ca sỹ hát bài “Khúc hát sông quê”, “Mơ quê”, tôi thích nhất ca sỹ Anh Thơ, tiếng hát của chị đã chạm đến đáy lòng, tâm hồn của tôi. Những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, những trưa hè lặn lộn ven sông, những chiều về thả diều nô đùa với những người bạn trên triền đê, khủng cảnh quê nhà, tiếng hò điệu ví xứ nghệ “trở về” trong tâm hồn của tôi. Ở xa nhưng thấy quê nhà rất gần, càng thêm yêu quê”.
Hay một khán giả 54 tuổi (quê Lào Cai) đang sống ở Hà Nội chia sẽ: “Tôi xa quê đã lâu nhưng mỗi lần nghe Anh Thơ - Trọng Tấn hát “Bắc Hà yêu thương” thì hình ảnh quê hương, tình cảm gắn bó con người nơi đây hiện về trong tôi, hồn tôi như đang thả về quê hương”.
Một khán giả ở tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ: “Khi nghe Anh Thơ hát “Nghe câu quan họ trên Cao Nguyên” mà trong tôi hình ảnh hai quê hương, hai mãnh đất hiện về, một mãnh đất cao nguyên - nơi tôi đang sống, một mãnh đất Bắc Ninh - nơi tôi sinh ra. Hai mãnh đất hòa quện vào nhau, dù rất xa nhưng vẫn thấy bóng dáng quê nhà rất đầy đủ qua lời ca của Anh Thơ. Một cảm giác rất khó diễn tả”.
Hay những người dân Quảng Bình “ngất lịm” khi nghe Anh Thơ hát bài “Tình Đất”, một nông dân đã thốt lên rằng: “Khi nghe Anh Thơ hát “Tình Đất”, thì “đất”, “hồn đất” ùa về trong trong tôi, càng nghe tôi càng yêu hơn với công việc của mình, quên đi những khó khó khăn, vất vã của người nông dân, tiếp thêm cho tôi nhiều động lực, sức mạnh, cả niềm tự hào nữa....”.
Anh Thơ hát và giao lưu với bà con thôn quê |
Có nhiều người thắc mắc sao Anh Thơ hát về những bài về quê hương, đất nước mang âm hưởng dân ca hay đến vậy, có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh, từ quê hương, từ con người, cốt cách của Chị. Có lần Anh Thơ chia sẻ: “Tuy đã có 30 tuổi nghề nhưng tôi vẫn giữ được tầm hồn hồn nhiên, mộc mạc, giản dị, gần gũi thân thương, không kiêu hãnh và không tự cao, luôn ham học hỏi, đặt mình vào trong hoàn cảnh của bài hát, câu hát, có như vậy mới có cảm xúc thật, mới hát hay được. Còn bị vướng vào sân si, đố kị, tự cao thì chắc chắn cảm xúc sẽ giả tạo, không thể hát hay được...”. Đây chính là cội nguồn “nuôi dưỡng” và “giữ hồn quê” để Anh Thơ thăng hoa trên sân khấu.
Không chỉ trên phương diện ca hát, mà với tư cách là một giảng viên Thanh nhạc, Anh Thơ không ngừng học tập, nghiên cứu chuyên sâu về dòng nhạc dân gian, trữ tình, cách mạng. Chị đã tham gia đào tạo, thổi “hồn quê” vào cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên theo dòng nhạc này, và không ít người thành danh, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc lớn.
Mới đây, năm 2022 Chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành âm nhạc học, với đề tài: “Giảng dạy các ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung trong đào tạo thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia việt Nam”. Như vậy, Anh Thơ là một trong số ít ca sĩ đương đại có học vị cao nhất chuyên sâu về dòng nhạc này.
Để đáp ứng sự mong đợi của khán giả cả nước, để trực tiếp mang “hồn quê” đến với mọi miền đất nước, sắp tới Anh Thơ cùng Trọng Tấn tổ chức Live concert “Trọng Tấn - Anh thơ: 20 năm những bản tình ca” tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, thành phố Đà Nẵng và dự kiến tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nghệ An...