Vệ sinh đường dây ẩn chứa nhiều rủi ro cho người lao động
CôngThương - Nhiều rủi ro khi vệ sinh thủ công
Do chiều dài lớn nên công việc sửa chữa, bảo dưỡng đường dây, vệ sinh trụ điện, bát sứ của các công nhân ngành điện rất vất vả. Đặc biệt là khu vực miền Trung- Tây Nguyên khí hậu khắc nghiệt, mưa nhiều, độ ẩm cao cùng với bụi đất đỏ bazan nên rêu và bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hệ thống. Khi gặp sương muối, mưa phùn sẽ phát sinh phóng điện vầng quang, nếu không xử lý vệ sinh kịp thời sẽ có nguy cơ phóng điện tràn, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, làm suy giảm khả năng cách điện, tăng tổn hao công suất trên lưới, gián đoạn cung cấp điện của hệ thống. Để bảo đảm cho hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ trong 6 tháng đến một năm.
Trước đây, biện pháp duy nhất để giải quyết việc nhiễm bẩn là lau chùi. Mỗi khi làm vệ sinh lưới điện, EVN phải cắt điện ở một số khu vực. Các nhân viên phải trèo lên cột, lau chùi thủ công từng bát sứ một. Mỗi đợt vệ sinh, bảo dưỡng thủ công kéo dài nhiều ngày và tốn nhiều nhân lực. Hơn nữa, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn gây bất lợi cho vận hành hệ thống, tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải. Công nhân làm vệ sinh đường dây cũng luôn chịu áp lực về thời gian trả lưới đóng điện theo kế hoạch nên làm việc rất căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Giải pháp này không chỉ phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả năng tài chính của ngành điện trong giai đoạn hiện nay, mà còn là hướng đi táo bạo và đầy sáng tạo của những cán bộ kỹ thuật ngành điện. Đề tài đã đạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2012. |
Giải pháp hotline- Đảm bảo lưu thông dòng điện
Giải pháp “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao”- đề tài nghiên cứu khoa học của Công ty Truyền tải điện 3 (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) do Phó giám đốc Nguyễn Văn Xuân và kỹ sư Nguyễn Trí Dũng thực hiện- đã khắc phục cơ bản những khó khăn trên với công nghệ bắn rửa nước áp lực cao tại các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp 220 – 500 kV (còn gọi là vệ sinh cách điện hotline). Vòi nước áp lực cao được phun thẳng lên trạm điện, lần lượt làm sạch mọi ngõ ngách của trụ điện, bát sứ... với thời gian nhanh hơn, sạch hơn, tiết kiệm nhân công hơn, an toàn hơn.
Giải pháp này cho phép mỗi chuỗi cách điện 500 kV chỉ bắn rửa trong 30 giây, vừa xử lý được cách điện nhiễm bẩn, giảm phóng điện, tránh sự cố và không để hệ thống bị gián đoạn. So với cách vệ sinh kiểu cũ, phương pháp hotline tiết giảm được 58% chi phí. Với cách vệ sinh truyền thống, EVN chỉ có thể giải quyết những vị trí nhiễm bẩn chưa đến mức độ báo động (phòng ngừa nhiễm bẩn phát triển, không thể cắt điện được nữa). Còn giải pháp vệ sinh hotline có thể làm sạch những vị trí bẩn nặng có nguy cơ phóng điện. Đặc biệt là vẫn đảm bảo vận hành lưu thông dòng điện. Hiện nay, giải pháp này đã được Cục An toàn (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trực tiếp kiểm tra, thẩm định đạt kết quả rất tốt.