Thông tin chia sẻ tại hội thảo cho thấy, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ còn hạn chế, đồng thời việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức.
TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu tại hội thảo |
Theo TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam. Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ.
Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng “chưa giàu đã già” nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.
Vấn đề này đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp chính sách kịp thời, toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa, chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi.
Tại Việt Nam, hiện 75% dân số trong độ tuổi lao động góp phần quan trọng đưa GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á nhưng có thể sự lạc quan này sẽ không kéo dài. Bắt đầu từ năm 2040, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ không mong muốn: giai đoạn dân số già.
Ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ, “già hóa dân số” nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức mà sẽ trở thành cơ hội cho xã hội.
Bằng việc đồng hành cùng cơ quan chuyên ngành các nghiên cứu sâu rộng ở phạm vi quốc gia, Prudential Việt Nam mong muốn đồng hành và chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các vấn đề về già hóa dân số nói chung để già hóa không là gánh nặng.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực dân số cũng như an sinh xã hội không chỉ mong muốn được chia sẻ những phát hiện chính từ cuộc khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” và nghiên cứu “An sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam”; Đồng thời, sẽ xin ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan để nhận dạng sâu hơn các vấn đề, cũng như các đề xuất giải pháp chính sách khả thi nhằm tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già của người dân Việt Nam, cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số nhanh.