Để chống nhập lậu đường cát, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng chức năng |
“Thay áo” để tiêu thụ hàng lậu
An Giang có đường biên giới giáp ranh với Campuchia dài gần 100km, nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện cho việc buôn lậu cả mùa khô và mùa nước nổi. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) và Cơ quan Công an tỉnh đã tổ chức triệt xóa thành công nhiều đường dây buôn lậu có quy mô lớn như đường dây Vi Thị Kim Mai, Vương Bích Thuận… vì thế các đối tượng buôn lậu có co cụm lại một thời gian. Tuy nhiên, sau đó hoạt động buôn lậu đường cát lại có chiều hướng trở lại, tiếp tục gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn.
Theo thông tin từ Chi cục QLTT An Giang, 6 tháng đầu năm, các đội QLTT đã kiểm tra phát hiện 26 trường hợp kinh doanh, vận chuyển đường cát nhập lậu. Số lượng hàng hóa vi phạm tạm giữ lên tới 65.986 kg đường lậu, trị giá 767,6 triệu đồng, trong đó có 24.300kg đường cát vi phạm nhãn hàng hóa trị giá 316 triệu đồng và 2.550kg đường phèn nhập lậu, trị giá 43 triệu đồng.
Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, các đối tượng thường lập các lò đường phèn gần khu vực biên giới để chế biến đường cát thành đường phèn, hoặc vận chuyển đường pha với nước từ bên kia biên giới vào nội địa gây khó khăn cho lực lượng trong việc truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các đối tượng còn lợi dụng khu vực biên giới, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào nội địa rồi chuyển lên xe tải về tuyến sau nên việc bắt đủ số lượng xử lý tội buôn lậu rất khó khăn.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn sử dụng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để hợp thức hóa hàng lậu. Cụ thể, đối tượng sử dụng triệt để hóa đơn phát mãi vì đường phát mãi cũng là đường cát ngoại nên không thể giám định. Thêm vào đó, do không có đặc điểm gì riêng biệt về bao bì và không có hạn sử dụng nên rất khó phân biệt và xử lý.
Kiểm soát chặt hồ sơ mua bán
Trước thực trạng đó, Chi cục QLTT An Giang đã đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố, khi tịch thu mặt hàng đường cát nhập lậu không tổ chức bán đấu giá như hiện nay mà chỉ định cho doanh nghiệp bán lẻ trong nội địa, hoặc bán lại cho các nhà máy đường để tái chế. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng các đối tượng sử dụng bộ hồ sơ mua hàng, tịch thu hóa giá của nhà nước và hóa đơn mua đường cát của các nhà máy, công ty sản xuất, kinh doanh đường cát để hợp thức hóa đường lậu.
Ông Phan Lợi - Chi cục trưởng Chi cục QLTT An Giang - nhấn mạnh: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, vì thế, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tích cực nghiên cứu đổi mới phương thức sản xuất với chất lượng tốt, giá thành hợp lý mới có thể đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Từ đó, làm giảm “động lực” của các đối tượng nhập lậu đường cát.
Thời gian tới, lực lượng QLTT An Giang sẽ chủ động nắm bắt tình hình, nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng; đẩy mạnh điều tra, kiểm soát các điểm tập kết cất giấu đường cát nhập lậu trong nội địa kể cả các điểm sản xuất, kinh doanh đường phèn trên địa bàn.
Lực lượng QLTT và cơ quan công an cùng Hiệp hội Mía đường sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp vi phạm sử dụng hóa đơn bán hàng của các công ty trong nước để hợp thức hóa hàng lậu. |