Ai vi phạm luật thì xử theo luật, công an không được tùy tiện đánh người
Liên quan tới vụ tùy tiện đánh người tham gia giao thông tối ngày 28/9, đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, quan điểm Ban Giám đốc Công an tỉnh là cán bộ, chiến sĩ nào sai đến đâu, xử lý nghiêm đến đó.
Rất đồng tình với đại tá Lâm Thành Sol, bất cứ ai, dù cấp bậc nào, chức vụ gì, nếu vi phạm thì bị xử lý, không có chuyện bao che, "huyện bênh huyện, phủ bênh phủ".
Hình ảnh được cho là công an đánh người được camera an ninh ghi lại. Ảnh cắt từ clip |
Xem kỹ clip, thấy rõ hai thiếu niên không chống cự, không tấn công cảnh sát, không có hung khí trong tay, chỉ ôm đầu chịu trận, có em cúi đầu lạy xin tha.
Nếu cho rằng hai em này vi phạm giao thông hoặc lỗi gì khác, thì cảnh sát giao thông, công an có quyền đưa về trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp đối tượng vi phạm là tội phạm hình sự nguy hiểm, dùng hung khí chống đối, tấn công, thì công an có quyền sử dụng công cụ hỗ trợ, kể cả vũ khí để trấn áp, bắt giữ.
Hai em học sinh này không có hành động nào thể hiện là "tội phạm" nguy hiểm và chống người thi hành công vụ.
Trong bài "Hé lộ nguyên nhân ban đầu vụ công an đánh người tại Sóc Trăng" đăng ngày 29.9, Báo Lao Động thông tin: "Hai thiếu niên này không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh trên 100cm3".
Những lỗi này thường xảy ra, nhiều người vi phạm, có nhiều người còn phản ứng tiêu cực, mắng chửi, thậm chí hành hung cảnh sát giao thông. Đối với trường hợp hai thiếu niên nêu trên, cũng chỉ vi phạm quy định, việc của cảnh sát giao thông là xử phạt.
Cho dù các em có vi phạm lái xe quá tốc độ, không nghe hiệu lệnh của cảnh sát, thì các chiến sĩ công an cũng phải kiềm chế sự tức giận, thực hiện công vụ đúng nhiệm vụ. Chưa kể, đối với thanh thiếu niên, công an có trách nhiệm giáo dục trong sự ôn hòa, chuẩn mực.
Có biết bao tấm gương chiến sĩ công an vì dân, như 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh vì lao vào đám cháy cứu người trong quán karaoke ở Hà Nội ngày 1.8 vừa qua. Hay như trung úy Thái Ngô Hiếu đã nhanh chóng bơi xuống biển cứu được 4 người bị đuối nước tại Bà Rịa - Vũng Tàu...
Những chiến sĩ công an không thi hành đúng phận sự, thiếu chuẩn mực nghề nghiệp và đạo đức, đánh dân, họ làm hoen ố hình ảnh đẹp đẽ của đồng đội. Những người này không xứng đáng đứng trong hàng ngũ công an nhân dân.