Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt từ năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn vượt khó cùng cả cộng đồng đi lên. Tháng 10/2021, Chính phủ đã đánh giá: “Quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã chứng minh ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, với sức sáng tạo và nỗ lực, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vẫn bền bỉ hoạt động, sản xuất kinh doanh, vượt khó vươn lên, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Vừa qua, chúng ta kiên quyết xử lý bằng pháp luật với một số doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, như ở Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các doanh nhân như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Nguyễn Phương Hằng…
Ảnh minh họa |
Dư luận chung đồng tình ủng hộ, hoan nghênh sự nghiêm minh của luật pháp và cho rằng đây là những việc làm cần thiết, đúng luật để giữ gìn kỷ cương phép nước, tạo sự công bằng để phát triển nền kinh tế đất nước.
Trong khi đó các thế lực xấu thì lợi dụng vào việc trên để xuyên tạc, chống phá. Chúng cho rằng Đảng, Nhà nước, các cơ quan pháp luật chèn ép, đàn áp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Chúng trắng trợn vu cáo: Đảng, Nhà nước đang có chủ trương đánh vào doanh nhân, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty tư nhân để “răn đe” và “cướp vốn” để trả nợ và cứu vãn nền kinh tế đang “khánh kiệt”. Chúng còn xuyên tạc rằng việc bắt bớ này là do “đấu đá nội bộ” và kết luận: “Sống dưới chế độ độc tài cộng sản hiện nay, những đại gia, tài phiệt hoặc người giàu có tài sản đều là những người nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản, cho dù họ có làm ăn chân chính cũng không thoát”.
Trên thực tế, sự thật đã bác bỏ sự tuyên truyền xuyên tạc với mục đích chống phá nêu trên. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch đã chủ động gặp gỡ giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Người đánh giá: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước, lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng khẳng định rõ: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.
Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời với những quy định chặt chẽ, phù hợp để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển thuận lợi. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13/10 hằng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Năm 2011, Bộ Chính trị có Nghị quyết 09-NQ/TW, Khóa XI, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó nêu rõ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhấn mạnh tinh thần “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh” và xác định: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động”.
Những tháng cuối năm 2021, Chính phủ có Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng phát biểu: “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa và đang xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đồng thời, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là Chiến lược vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.… Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế”.
Bộ Công Thương có đóng góp rất tích cực với việc tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện vấn đề quan trọng này trên thực tế. Nhân dịp kỷ niệm 14 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2022), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi thư chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó tin tưởng, kỳ vọng: “Các doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo và không ngừng đổi mới, đạt thành công và phát triển bền vững trên con đường hội nhập, chung tay đưa con tàu kinh tế Việt Nam vươn ra thế giới”; đồng thời cam kết rõ: “Bộ Công Thương với vai trò được Chính phủ giao là cơ quan quản lý Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam “Nâng tầm vị thế - Chắp cánh bay xa”.
Nhưng Việt Nam cũng rất rõ ràng, sòng phẳng, công khai: vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của luật pháp. Việc xử lý là rất cần thiết để giữ gìn sự nghiêm minh của luật pháp, sự công bằng, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội để doanh nghiệp ổn định và phát triển, chứ không phải là cản trở, gây khó cho doanh nghiệp.
Tháng 4/2022 vừa qua, phát biểu kết luận Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết: Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế” và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp làm giàu chính đáng.
Vì vậy, chúng ta cần phòng, chống có hiệu quả các âm mưu thủ đoạn xấu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng việc xử lý các doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm pháp luật để chống phá Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tổng hợp để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất kinh doanh một cách tích cực, tự giác, phù hợp quy định của pháp luật, phấn đấu trở thành doanh nghiệp tốt, là lực lượng nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực tiễn cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và những kẻ xuyên tạc mới chính là nhân tố cản trở, ném đá vào bánh xe phát triển của doanh nghiệp và đất nước.