Xúc động lời chúc dành tặng thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (FISE). Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam.
Những nǎm sau đó, ngày lễ này còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20.11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.
Và PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là người đề xuất lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Năm 1981, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục điều động từ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo như ngày nay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống của giáo viên. Khoảng thời gian đó, lúc nào ông cũng suy nghĩ, trăn trở về việc chăm lo, cải thiện đời sống giáo viên.
Thời điểm đó, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết, trong lúc nền kinh tế còn đang khó khăn, việc đề xuất tăng lương cho giáo viên là không khả thi.
Với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông đã nghiên cứu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành Giáo dục nên tận dụng và phát huy.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh: Tô Thế |
"Tuy ngày 20/11 - ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đã kết thúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình từ cuối những năm 1970, nhưng ở Việt Nam tinh thần của Bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, vẫn được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm thực hiện.
Hằng năm ngành Giáo dục đào tạo và nhân dân vẫn chào đón ngày 20/11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước. Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20.11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, để hằng năm tổ chức động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành Giáo dục” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đề xuất nội dung này.
Sau đó, đề xuất này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục đồng ý, giao cho Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ chủ trì trao đổi với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các bộ, ngành liên quan.
Sau khi có sự đồng thuận của các bên, soạn thảo văn bản, tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.
Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.