Thứ hai 21/04/2025 20:31

ADB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 6,9%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ tăng trưởng 6,9% thay vì 6,8% như con số ước tính trước đó.

Trong một ấn bản bổ sung của Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2019 vừa được công bố, ADB nhận định, nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sụt giảm, đầu tư suy yếu. Tổ chức này hạ mức tăng trưởng với Singapore và Thái Lan.

Ngược lại với xu hướng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, ADB tăng dự báo GDP Việt Nam lên mức 6,9% so với 6,8% đưa ra hồi tháng 9. Đồng thời, mức dự báo GDP năm 2020 cũng tăng lên 6,8%, so với mức 6,7% đưa ra trước đây.

Theo ADB, GDP trong ba quý đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Cùng đó, tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài. ADB nhận định, với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý III, quý IV và sang năm sau nhiều khả năng tiếp tục được duy trì.

Cũng theo báo cáo bổ sung của ADB, tăng trưởng Trung Quốc năm nay dự kiến đạt 6,1% và giảm về 5,8% vào năm tới. Sự sụt giảm này là do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và tình trạng suy giảm hoạt động toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rằng, tăng trưởng của Trung Quốc có thể bứt tốc nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về thương mại. Trong tháng 9, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,2% trong năm 2019 và 6,0% vào năm 2020.

Còn kinh tế Hồng Kông vốn đang trong đợt suy thoái nên sẽ chứng kiến áp lực sụt giảm nghiêm trọng kéo dài, có thể tới năm 2020. Nền kinh tế này hiện được dự báo giảm 1,2% trong năm 2019 và tăng trưởng 0,3% vào 2020.

Trong khi đó, Trung Á là tiểu vùng duy nhất có triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn so với hồi tháng 9, chủ yếu nhờ gia tăng chi tiêu công ở Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất của khu vực. Trung Á hiện được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2019, cao hơn so với dự báo trước đây là 4,4%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2020 là 4,5%. Nền kinh tế Kazakhstan được kỳ vọng tăng 4,1% trong năm nay và 3,8% vào năm sau.

Bản báo cáo của ADB cũng đưa ra kỳ vọng GDP khu vực châu Á sẽ tăng 5,2% năm 2019 và 2020, giảm lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo hồi tháng 9.

Ông Yasuyuki Sawada - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB - nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang phát triển vững vàng, song căng thẳng thương mại kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn.

"Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở rất nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể" - ông Yasuyuki Sawada đánh giá.

ADB dự báo lạm phát châu Á ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.

Thu Phương

Tin cùng chuyên mục

SHB lãi gần 4.400 tỷ đồng quý I, đạt 30% kế hoạch năm, dự kiến tổng tỷ lệ cổ tức 2024-2025 là 36%

Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt

06 Hệ thống công nghệ/Sản phẩm dịch vụ Agribank xuất sắc được công nhận 'Giải thưởng Sao Khuê 2025'

Ngân hàng Lộc Phát ra mắt thương hiệu LPBank Priority và thẻ LPBank Visa Signature

BIZ MBBank lập 'hattrick' tại Sao Khuê 2025 nhờ đổi mới

Lương hưu tháng 5 sẽ chi trả sau kỳ nghỉ lễ 30/4

Bất động sản công nghiệp: Tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp

Ngân hàng ‘chạy đà’ 2025: Những tiếng nói từ mùa đại hội cổ đông

PVcomBank: Bứt phá chuyển đổi số, thu hút triệu khách hàng mới

VietinBank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025

Giá vàng đạt 120 triệu đồng/lượng: Nên để tiền vào đâu?

Luật hóa để làm tan cục ‘máu đông’ nợ xấu

Nhiều địa phương tăng thu, ngành thuế tiếp tục 9 nhiệm vụ

Số người rút bảo hiểm xã hội một lần giảm sâu

VPBank ưu đãi cho chủ thẻ tín dụng tại 2 tuyến phố ẩm thực ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Dòng vốn không ào chảy chỉ bằng lập trung tâm tài chính

Tham vọng triệu tỷ đồng của một ngân hàng tư nhân

Trung tâm tài chính: Ngân hàng Việt làm gì để không thua trên sân nhà?

Báo cáo FDI: Gợi ý quan trọng để 'nâng chất' vốn ngoại

TPBank Premier Banking: Đặc quyền đỉnh cao, xứng tầm thượng khách