ACV quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ACV đầu tư hơn 99.000 tỷ đồng vào dự án sân bay Long Thành |
Ngày 16/2 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Thông báo số 08/TB-UBQLV về kết quả giám sát việc triển khai các nhiệm vụ giao của Thủ tướng Chính phủ đối với người đại diện vốn Nhà nước tại ACV với các dự án đầu tư xây dựng: Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 3 dự án bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong giai đoạn lập và phê duyệt dự án. Chủ đầu tư khẳng định các dự án đã kiểm soát thông tin, số liệu báo cáo một cách kỹ lưỡng và phù hợp quy định của pháp luật.
Riêng dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, ACV đã chỉ đạo tư vấn đánh giá chi tiết ảnh hưởng của Cảng hàng không Điện Biên trong kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tổng thể các cảng hàng không giai đoạn 2017-2020 và trong kế hoạch sản xuất kinh doanh cảng hàng không giai đoạn 2021-2025 của ACV.
Theo đó, ACV vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác vận hành Cảng hàng không Điện Biên.
Mặt khác, sau khi đầu tư Dự án Cảng hàng không Điện Biên, với năng lực tiếp nhận được các loại tàu bay lớn hơn (A320, A320 và tương đương) sẽ mở ra cơ hội để các hãng hàng không mở các đường bay từ các cảng hàng không đến Điện Biên, nâng cao hiệu quả tài chính cho dự án, nhất là hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương và cho khu vực.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến sử dụng tối thiểu 36.102 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Phần còn lại sử dụng vốn huy động ngoài gồm vốn vay không bảo lãnh Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm cả vốn chủ sở hữu).
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc tại Dự án Xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cụ thể, việc giải phóng mặt bằng chậm, tồn tại nhiều hạn chế. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tiến hành lấy ý kiến Bộ Tài chính và tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Thêm vào đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm TP. Hồ Chí Minh (2021-2025), kế hoạch sử dụng đất 2021 của quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) đối với phần diện tích đất 16,5ha sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 424/TTg-NN ngày 3/4/2021 vẫn chưa được điều chỉnh cập nhật và phê duyệt.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại ACV chỉ đạo tổng công ty phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao năng lực triển khai, quản lý dự án, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công... loại trừ nguy cơ xung đột, giao cắt bình diện giữa các gói thầu trong cùng một dự án; nguy cơ tăng giá thành, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu...
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện bằng tiến độ chi tiết đối với từng gói thầu, lồng ghép với tiến độ giải ngân, từ đó xây dựng tiến độ giải ngân chi tiết cho toàn bộ dự án, sử dụng, huy động vốn hiệu quả không ảnh hưởng đến nguồn lực triển khai các dự án khác.
Ngoài ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu phải phân định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; xác định trách nhiệm và mối quan hệ giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án với các cơ quan, đơn vị có liên quan; khẩn trương đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho ban quản lý dự án đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi cho quá trình điều hành, tổ chức thi công công trình...
Bên cạnh đó, ACV cần khẩn trương xây dựng phương án vay vốn trong nước bằng ngoại tệ trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đảm bảo nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm theo quy định.