Sản phẩm Acecook Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng |
Acecook Việt Nam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh năm 1993, bắt đầu sản xuất, kinh doanh từ năm 1995. Sau 24 năm hoạt động, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Acecook Việt Nam đã tăng trưởng lớn mạnh và ra mắt sản phẩm Hảo Hảo (năm 2000), trở thành sản phẩm rất được ưa chuộng, phân bố tới mọi miền đất nước. Hiện nay, Acecook Việt Nam đã có 6 chi nhánh kinh doanh, 11 nhà máy, sản lượng hàng năm ở mức 3 tỷ sản phẩm; trong đó, 2,8 tỷ sản phẩm tiêu thụ trong nước. Acecook đã xuất khẩu trên 40 quốc gia với tỷ trọng 10% trên tổng doanh thu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động với phương châm chọn Việt Nam là căn cứ địa trọng điểm để phát triển thương hiệu Acecook ra toàn thế giới.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Acecook Việt Nam - chia sẻ: Với nhận thức để NTD hoàn toàn yên tâm khi sử dụng sản phẩm, Acecook luôn đặt nhiệm vụ quản lý ATTP lên hàng đầu, ở vị trí trọng yếu nhất. Trước khi nhập nguyên liệu, công ty sẽ điều tra và đánh giá nhà cung cấp. Định kỳ hàng năm, sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế như: ISO, HACCP, IFS, BRG. Đồng thời, công ty luôn thực hiện cam kết quản lý và tuyệt đối không sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép, không sử dụng nguyên liệu chiếu xạ và Non GMO.
Cùng với việc thiết lập hệ thống quản lý ATTP, Acecook Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ quyền lợi NTD. Không chỉ mì ăn liền, dù là sản phẩm nào, công ty cũng cung cấp những thông tin về cách ăn uống cân bằng dinh dưỡng như tặng cho NTD sổ tay thực đơn chế biến các món từ sợi.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành thực phẩm mì ăn liền vẫn còn những khó khăn nhất định. Vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm quyền thương hiệu, quyền sáng chế thường xuyên diễn ra. Mặt khác, những quy định, quy chế nhằm bảo vệ quyền lợi NTD chưa rõ ràng, tồn tại nội dung quảng cáo cường điệu quá sự thật của một số DN...
Trong vài năm gần đây, những ý kiến nghi ngại về tính an toàn của mì ăn liền và những nhận định vô căn cứ cho rằng NTD nên hạn chế sử dụng mì ăn liền đang được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.Những thông tin này đang gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của sản phẩm mì ăn liền và toàn ngành mì ăn liền. Để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu nhất, ông Kajiwara Junichi cho biết, các DN như Acecook Việt Nam thực sự cần sự hợp lực của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, tổ chức mà đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trong vấn đề quản lý chất lượng, bảo vệ quyền lợi NTD. Việc thành lập Hiệp hội Mì ăn liền Việt Nam sẽ là đòn bẩy phát triển bền vững của các sản phẩm ăn liền và ngành mì ăn liền.
Theo đó, Hiệp hội Mì ăn liền Việt Nam sẽ thiết lập chế độ kiểm soát nội bộ để đảm bảo ATTP và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm; thiết lập quy chế để phòng tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh. Các cơ quan quản lý và Hiệp hội Mì ăn liền Việt Nam sẽ cùng xây dựng tiêu chuẩn ATTP đối với mì ăn liền. Đồng thời, tiến hành đánh giá định kỳ chất lượng sản phẩm, xếp hạng đánh giá và cải thiện sản phẩm.