Năm 2019, qua 3 tháng phát động và triển khai, Danh hiệu Sao Khuê đã nhận được 134 đề cử từ 96 doanh nghiệp, tăng 35% so với số lượng đăng ký năm 2018 và là năm có số lượng đề cử lớn nhất từ trước tới nay.
Danh hiệu Sao Khuê 2019 có tới 30 đề cử cho lĩnh vực các sản phẩm sử dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 và gần 20 các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm tham gia Danh hiệu, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hợp tác với các đối tác Nhật Bản.
Đại diện các doanh nghiệp lên nhận Danh hiệu Sao Khuê 2019 |
Qua 2 vòng Sơ tuyển và Thuyết trình trực tiếp, Hội đồng Chung tuyển đã xem xét và quyết định công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2019 cho 94 sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu, đồng thời lựa chọn ra 10 sản phẩm, dịch vụ xuất sắc nhất xét trên các tiêu chí như: hiệu quả kinh tế xã hội, uy tín thương hiệu, doanh thu, thị phần, công nghệ sáng tạo, đột phá,.. để trao Danh hiệu Top 10 Sao Khuê 2019.
Qua số liệu thống kê, doanh thu của 94 sản phẩm, dịch vụ được công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2019 đạt trên 9.298 tỉ VNĐ, tương đương trên 399 triệu USD. Tính riêng tổng doanh thu của Top 10 Danh hiệu Sao Khuê năm 2018 đã đạt trên 2600 tỉ đồng, tương đương trên 111 triệu USD. Không chỉ nổi trội về doanh thu, trong Top 10 này, có tới 4 là các sản phẩm, giải pháp có ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)...
Bên cạnh việc đánh giá, bình chọn và công nhận Danh hiệu Sao Khuê 2019 cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CNTT xuất sắc, một thông điệp mà Ban tổ chức muốn truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam chính là tinh thần Xung kích Chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, đặc biệt trong một số ngành như Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Du lịch… Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp đang có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, hành động xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch. Hơn 30 thành phố tại Việt Nam đang định hướng xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới…
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNTT – Truyền thông cần có sự tập trung cao hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ quá trình Chuyển đổi số, từ đó lan tỏa đến các lĩnh vực, các ngành kinh tế chủ chốt… tạo động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam tiến nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ về điều này, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban Tổ chức chương trình Danh hiệu Sao Khuê cho biết: “Nhận thấy vai trò và sứ mệnh tiên phong trong công cuộc Chuyển đổi số này, VINASA luôn tìm cách đổi mới các hoạt động nói chung cũng như Chương trình Danh hiệu Sao Khuê nói riêng qua các năm. Qua đó, hiệu triệu và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để rút ngắn khoảng cách, đột phá về doanh thu và tăng trưởng”.