Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2019 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng ngày 28/9.
GDP tăng 6,8%
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho biết, GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây. Cụ thể, năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,96%; năm 2019 tăng 6,98%.
“Kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019” – ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai khác dầu thô. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân đạt 72,1%.
Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), con số tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức an toàn, không đáng lo ngại, chỉ mang tính kỹ thuật và tạm thời.
Đối với hoạt động dịch vụ, Tổng cục Thống kê đánh giá, 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động này diễn ra sôi động, cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế chính là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đạt tốc độ tăng khá. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%).
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số PMI của Việt Nam trong 8 tháng năm nay tiếp tục duy trì mức trên 51 điểm, mức cao hơn các nước trong khu vực, các nhà sản xuất cho rằng sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới và kỳ vọng nhu cầu thị trường cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - dự báo, GDP quý IV tiếp tục tăng trưởng, cả năm GDP đạt mức Quốc hội đề ra, cận trên 6,8%.
Doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục
Theo báo cáo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng.
“Đây là mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường” – ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Theo đó, cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%. Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 129,8 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 21,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 28,2 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 11,9 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7%.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2019 cho thấy: Có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 18,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2019 có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, là 1 điểm nghẽn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng giảm đáng kể…. Đứng trước những thách thức trên, theo ông Trần Bích Lâm cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
“Đặc biệt, nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản…” – ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.