Xử lý 1.460 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng và trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong khi nhận thức của người tiêu dùng chưa thật sự đầy đủ, nên việc phân biệt hàng thật - hàng giả đang trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng.
Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu là: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh; hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên mẫu nhãn, kiểu dáng bao bì sản phẩm và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đăng ký sử dụng tên miền trên internet…
Lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Với mục tiêu phối hợp toàn diện, thường xuyên và kịp thời nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; xây dựng cơ chế thực thi quyền SHTT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, 9 bộ/ngành gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng ký kết và triển khai Chương trình phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền SHTT (chương trình 168).
Theo thông tin mới nhất từ Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả hoạt động Chương trình 168 giai đoạn III (2019-2023) năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2021 cho thấy, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các bộ, ngành đã có những hoạt động tích cực trong phòng, chống xâm phạm quyền SHTT. Chỉ riêng năm 2020, lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã xử lý, giải quyết 1.460 vụ xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 1.302 vụ xử lý bằng biện pháp hành chính và khởi tố, kiểm sát điều tra, xét xử 158 vụ với 269 bị can, tổng số tiền phạt trên 25 tỷ đồng.
Các lực lượng thực thi quyền SHTT đã tịch thu, yêu cầu loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy hàng chục ngàn tang vật vi phạm; yêu cầu thay đổi nhiều tên doanh nghiệp, thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền… Các bộ, ngành (các cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, thanh tra chuyên ngành) cũng đã phối hợp xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn và tính chất phức tạp.
Bên cạnh đó, hợp tác trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật là một trong những điểm sáng của Chương trình 168. Trong năm 2020, các bộ, ngành là thành viên của Chương trình 168 đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT và xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ sở hữu quyền SHTT, lợi ích của Nhà nước và lợi ích cộng đồng.
Đồng thời, tích cực hợp tác trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức doanh nghiệp, cộng đồng về SHTT và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi quyền SHTT. Các bộ, ngành cũng đã thực hiện chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin giúp có được số liệu thống kê khá tổng thể, toàn diện về tình hình phòng, chống xâm phạm quyền SHTT trong phạm vi cả nước. Những kết quả này góp phần đáng kể trong nâng cao hiệu quả bảo hộ, thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.
Nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Trong năm 2021, nội dung phối hợp giữa các bộ, ngành trong Chương trình 168 hướng đến: Nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực thi quyền SHTT giữa các cơ quan hành chính, giữa các cơ quan tư pháp với nhau, giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm giải quyết tốt các nhiệm vụ, vụ việc phức tạp, nhạy cảm và có tính chất liên ngành.
Cùng với đó bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ trong nhận thức và áp dụng pháp luật trong công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT; nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT, trong đó tập trung ưu tiên cho nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống xâm phạm quyền SHTT; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về bảo vệ và thực thi quyền SHTT.
Đặc biệt, trước tình hình đại dịch Covid-19 còn bất ổn trên phạm vi toàn cầu, các bộ, ngành thống nhất tiếp tục phối hợp nghiên cứu, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, trong đó bao gồm các điều khoản quy định về thực thi quyền SHTT; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Chiến lược quốc gia về SHTT đến năm 2030.
Ngoài ra, phối hợp nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp theo yêu cầu tại Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, phối hợp với Cơ quan SHTT Vương quốc Anh (UKIPO) tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến cho các quy định về thực thi quyền SHTT trong Luật SHTT sửa đổi và phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức hội thảo về nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT trong thương mại điện tử.
Mặt khác, các bộ, ngành sẽ thực hiện chương trình nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Theo đó, tập trung rà soát, đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho một số sản phẩm nông sản chủ lực tại một số địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể liên quan về SHTT và xử lý hành vi vi phạm.