7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 125.000 tấn đường bổ sung năm 2022
Tin hoạt động 26/12/2022 12:15
Ngày 26/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung niên vụ 2021-2022 theo phương thức đấu giá đã tổ chức Phiên phân giao 200.000 tấn đường, trong đó bao gồm 160.000 tấn đường thô, 40.000 tấn đường tinh luyện.
Để triển khai tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung của niên vụ 2021-2022 theo phương thức đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2501/QĐ-BCT ngày 24/11/2022 về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan theo phương thức đấu giá. Tham dự Phiên phân giao lần này có 7 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia.
Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung của niên vụ 2021-2022 theo phương thức đấu giá |
Phát biểu tại Phiên phân giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hội đồng phân giao cho biết, trong năm 2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho sản xuất đường trong nước, trên cơ sở tham khảo và được sự nhất trí của các cơ quan liên quan, căn cứ thẩm quyền được giao tại Luật Quản lý ngoại thương (2017), Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BCT ngày 27/6/2022 quy định về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.
Thực hiện chỉ đạo trên, trước đó, ngày 23/9/2022, Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thông qua phương thức đấu giá đã tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường với tổng lượng là 113.000 tấn, trong đó có 79.000 tấn đường thô, 34.000 tấn đường tinh luyện. Kết quả đã có 7 thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 109.000 tấn đường năm 2022, trong đó có 5 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô và 2 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan đường tinh luyện.
“Trong niên vụ 2021-2022, sản lượng đường trong nước ước đạt gần 750.000 tấn, chỉ tăng 8,3% so với niên vụ 2020-2021. Với mức tăng hạn chế này, kể cả khi cộng thêm 113.000 tấn hạn ngạch thuế quan đã phân giao vào cuối tháng 9, lượng đường tồn kho từ niên vụ trước và một lượng đường nhất định vẫn được nhập khẩu từ ASEAN không thuộc đối tượng lẩn tránh, tổng cung vẫn thiếu hụt khá lớn so với tổng cầu”, Thứ trưởng thông tin và cho rằng, về dài hạn, ngành mía đường có thể tăng diện tích trồng mía và công suất chế biến để dần đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước nhưng trong ngắn hạn và trung hạn, ta vẫn cần xem xét một số phương án để bù đắp lượng thiếu hụt này.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia đấu giá kiểm tra tình trạng niêm phong của các bộ hồ sơ gửi tham gia đấu giá |
Đứng trước bối cảnh này, sau khi tham khảo và được sự nhất trí của nhiều cơ quan, căn cứ thêm quyền được giao tại Luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau đó đã ký ban hành Quyết định số 2449/QĐ-BCT ngày 18/11/2022 về việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của niên vụ 2021-2022 với số lượng là 200.000 tấn, trong đó có 160.000 tấn đường thô và 40.000 tấn đường tinh luyện.
Lưu ý các doanh nghiệp tham gia đấu giá, nộp hồ sơ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 01/8/2022 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (được nhập khẩu vào Việt Nam từ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Malaysia và Cộng hòa liên bang Myanmar).
Trường hợp thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung của niên vụ 2021-2022 theo phương thức đấu giá, nếu nhập khẩu đường có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT. Nếu nhập khẩu từ các nước có tên trong Quyết định số 1514/QĐ-BCT có thể phải chịu thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
“Hội đồng Phân giao đề nghị các thương nhân có mặt tại Phiên phân giao, đặc biệt là các thương nhân đã đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung của niên vụ 2021-2022 theo phương thức đấu giá lưu ý, cân nhắc để có quyết định phù hợp”, Chủ tịch Hội đồng Phân giao hạn ngạch thuế quan theo phương thức đấu giá lưu ý.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, thành viên Hội đồng đấu giá công bố danh sách các doanh nghiệp trúng đấu giá |
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, thay mặt Hội đồng Phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường bổ sung niên vụ 2021-2022, ông Trần Thanh Hải, thành viên Hội đồng Phân giao hạn ngạch thuế quan theo phương thức đấu giá đã công bố danh sách 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 125.000 tấn đường bổ sung niên vụ 2021-2022, cụ thể:
5 doanh nghiệp được phân giao 100.000 tấn đường thô bổ sung của niên vụ 2021-2022 gồm:
Công ty Cổ phần Đường Việt Nam: 20.000 tấn
Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa: 20.000 tấn
Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa: 20.000 tấn
Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa: 20.000 tấn
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi: 20.000 tấn.
2 doanh nghiệp được phân giao 25.000 tấn đường tinh luyện bổ sung của niên vụ 2021-2022 gồm:
Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam: 20.000 tấn
Công ty TNHH Nước giải khát Cocacola Việt Nam: 5.000 tấn