Kỷ nguyên công nghệ số
Nếu như mạng di động thế hệ đầu tiên (1G) chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ thoại; mạng 2G cung cấp dịch vụ thoại và nhắn tin; mạng 3G cung cấp dịch vụ thoại + nhắn tin + dữ liệu; mạng 4G cung cấp các dịch vụ 3G với tốc độ cao hơn, thì sự ra đời của thế hệ mạng 5G sẽ cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến cho người dân, từ khả năng truy cập với chất lượng tốt hơn tới dịch vụ y tế, hệ thống giao thông thông minh (bao gồm cả xe ô tô tự lái) và điều khiển máy móc từ xa... Từ đó, nó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới sáng tạo, xây dựng các nhà máy thông minh thông qua IoT.
Báo cáo di động mới nhất của Ericsson khẳng định, công nghệ 5G đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ có 3,5 tỷ các thiết bị sẽ được kết nối 5G (IoT) vào năm 2023 cùng với đó thì 20% tổng lưu lượng theo băng thông rộng di động trên thế giới sẽ là 5G, gấp 1,5 lần tổng lưu lượng mà 4G/3G/2G hiện nay và số lượng dữ liệu sẽ tăng gấp 8 lần. Sự phát triển này sẽ mang lại những cơ hội mới rất khác biệt cho con người, doanh nghiệp và xã hội trong tương lai.
Ông Denis Brunetti – Chủ tịch Ericsson Việt Nam |
Theo ông Denis Brunetti – Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào đồng thời cũng là Đồng chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết “Khái niệm về “CMCN 4.0” sẽ thay đổi cách Việt Nam sản xuất và thiết kế sản phẩm. Dựa vào sức mạnh của dữ liệu lớn (Big data), công suất tính toán cao, trí tuệ nhân tạo và phân tích, ngành công nghiệp 4.0 mang sứ mệnh số hóa hoàn toàn ngành sản xuất”. Ông Denis Brunetti cũng bày tỏ rằng Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong công cuộc áp dụng cuộc CMCN 4.0.
Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Không chỉ vậy, 5G còn giúp tương tác con người - máy móc, giúp con người tiếp cận IoT dễ dàng hơn. 5G cũng cho phép kiểm soát từ xa các máy móc hạng nặng; từ đó mở ra những khả năng mới như nâng cao hiệu suất và hạ thấp chi phí, rủi ro trong những môi trường nguy hiểm, độc hại.
Công nghệ 5G sẽ mở rộng cơ hội và mô hình kinh doanh thông qua chức năng giám sát, theo dõi và tự động hóa trên quy mô lớn. Từ những dây chuyền sản xuất trong các nhà máy được kết nối cho tới những thành phố và tòa nhà thông minh, 5G góp phần hạ thấp chi phí, nâng cao hiệu suất, chi phí GB giảm, hiệu quả sử dụng băng tần sẽ được cao hơn và cung cấp dữ liệu thời gian thực theo những cách thức mới, ấn tượng.
Đặc biệt, với độ trễ thấp của 5G hỗ trợ dịch vụ video gần như theo thời gian thực, công nghệ này có thể được sử dụng để điều khiển từ xa và áp dụng cho các ứng dụng trong doanh nghiệp. Trước đây, việc này chỉ được thực hiện trên kết nối có dây và thường được sử dụng trong các lĩnh vực y tế, theo dõi, máy móc công nghiệp nặng, nhưng giờ đây có thể được mở rộng qua mạng không dây với công nghệ 5G.
2021 Việt Nam sẽ có mạng 5G?
5G không còn là tương lai, hiện Ericsson đã khai trương 5G ở một số thị trường trên thế giới, trong tương Ericsson cũng có thêm một số băng tần nữa dành cho 5G. Tại Việt Nam, mạng 5G sẽ có thể hiện diện vào năm 2021 và khi đó nó sẽ góp phần thúc đẩy số hóa ngành công nghiệp cũng như cuộc CMCN 4.0 một cách mạnh mẽ và hiệu quả.
Cũng theo ông Denis Brunetti: “Chúng tôi kỳ vọng năm 2021 mạng 5G sẽ có mặt ở Việt Nam, tuy nhiên đây là khuyến nghị của chúng tôi cho Việt Nam chứ không phải là thời gian mà các bạn bắt buộc phải làm nhưng đó là thời gian chín muồi. Nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ 4G mà Ericsson cung cấp cho các nhà mạng tại Việt Nam hoàn toàn dễ dàng chuyển đổi sang 5G một cách đơn giản và với chi phí thấp”.
“Chúng tôi tin chắc rằng các quốc gia tiên phong trên con đường 5G sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đa ngành của họ được đẩy mạnh hơn. Các ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ 5G chính là những ngành có thể tận dụng tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cực cao của 5G nhằm tăng hiệu quả, cải thiện về chất lượng và sự an toàn, hay tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc chuyển đổi hướng tới 5G đồng nghĩa với việc công nghệ truyền thông máy móc trên quy mô lớn sẽ cho phép các thành phố, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông truyền dữ liệu theo thời gian thực, để nâng cao hiệu quả bảo trì và hoạt động. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển giao thông thông minh.