Nhằm nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc lịch sử, ý nghĩa to lớn và giá trị thời đại của bản Di chúc cũng như tập trung nghiên cứu làm rõ nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)”, diễn ra ngày 28/8, tại Hà Nội.
Với hơn 60 bản báo cáo, tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà khoa học, các tham luận đã đi sâu làm rõ những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ nhất, Di chúc đã tổng kết những bài học quý báu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thứ hai, Di chúc khẳng định niềm tin và sự cổ vũ toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thứ ba, Di chúc là bản cương lĩnh với những chủ trương định hướng lớn về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thứ 4, Di chúc với vấn đề đoàn kết quốc tế. Những lời căn dặn của Người trong Di chúc về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho việc xây dựng và thực thi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta…
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" |
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trong Di chúc, Người không chỉ nhấn mạnh “trước hết nói về Đảng” căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng chỉnh đốn Đảng, mà còn đặc biệt nhấn mạnh “đầu tiên là công việc với con người”. Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân dân. Người căn dặn lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải có chính sách cụ thể để giúp đỡ, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh.
Di chúc của Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện di nguyện của Người, từ năm 1986, Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Dù điều kiện khó khăn sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989, nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo lời dặn trong Di chúc của Người. Đời sống nhân dân từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ biên cương đến hải đảo không ngừng được nâng cao cả về chất và tinh thần. Đặc biệt, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” do Đảng ta phát động đã được sự hưởng ứng và phát triển rộng khắp, tạo ra diện mạo mới ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân cả nước.
“Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển và đứng trong tốp đầu những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới” - ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, và chia sẻ thêm: đến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, đứng thứ 44 thế giới về GDP và đứng thứ 34 theo sức mua; GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD và khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể.
Khẳng định bản Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc; là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ, mang tầm nhìn vượt thời gian, Di chúc đã đề ra những chủ trương, định hướng lớn về xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội sau ngày toàn thắng. Đây chính là mong mỏi của Bác và cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta; là mục tiêu của cách mạng Việt Nam và là con đường tất yếu kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, bị bao vây, cô lập, cấm vận, sau gần 35 năm đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng, bền vững; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Từ góc độ địa phương, ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho hay, trong thời gian qua, tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trung bình đạt trên 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 1.160 USD/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Cao Bằng đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước, dự báo sẽ đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra… “Những thành tựu trên đã khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn khắc ghi và thực hiện di nguyện của Bác trong suốt chặng đường 50 năm qua” - ông Lại Xuân Môn nói.
Mặc dù, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng các đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng, nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp. Kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội vẫn còn lớn; nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc...; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải cố gắng nỗ lực lao động sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ.