Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena ký kết văn kiện hợp tác (tháng 4/2017) |
Hiệp ước của mối quan hệ đặc biệt
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết vào ngày 18/7/1977 nhằm mục đích tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển kinh tế đất nước, vì độc lập phồn vinh của mỗi nước, góp phần gìn giữ củng cố hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Nội dung chính của bản Hiệp ước tập trung vào những vấn đề lớn như: Tăng cường hợp tác cùng có lợi về nông - lâm nghiệp, mậu dịch, công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác tài nguyên thiên nhiên và các lĩnh vực kinh tế khác; hỗ trợ hợp tác trong đào tạo cán bộ, trao đổi chuyên gia ở nhiều ngành; mở rộng trao đổi, hợp tác về khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thông tấn, báo chí, phát thanh, điện ảnh, thể dục thể thao và về các lĩnh vực văn hóa khác. Đồng thời, xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hữu nghị anh em lâu dài. Hai bên hoàn toàn tôn trọng và ủng hộ đường lối quốc tế độc lập, tự chủ của nhau. Đặc biệt, mọi vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Có thể nói, đây là bản Hiệp ước tương đối toàn diện, có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định mối quan hệ đoàn kết, keo sơn, tinh thần tương trợ lẫn nhau của hai quốc gia.
Hợp tác, phát triển toàn diện
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố niềm tin về mối quan hệ keo sơn gắn bó, đoàn kết vì sự phát triển bền vững giữa hai quốc gia, hai dân tộc. |
Sau 40 năm thực hiện Hiệp ước, hai nước Việt Nam - Lào đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện từ kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật đến giao lưu nhân dân.
Cụ thể, quan hệ chính trị Việt Nam - Lào ngày càng gắn bó, tin cậy, phát triển và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như: ASEAN, ACMECS, GMS, CLMV... góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.
Hai bên đã phối hợp, hợp tác về quốc phòng-an ninh, xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển toàn diện; đấu tranh hiệu quả chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy... Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, y tế, nông nghiệp, nông thôn...
Đặc biệt, lĩnh vực Công Thương luôn được hai bên đẩy mạnh với hàng trăm hoạt động giao lưu, trao đổi, xúc tiến đầu tư - thương mại. Nổi bật là sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Lào (tháng 4/2017); hai Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Lào (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) ký kết hàng loạt văn kiện hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước như: Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định Quá cảnh hàng hóa; Biên bản ghi nhớ về việc xây dựng dự án kho ngoại quan xăng dầu Hòn La và đường ống dẫn xăng dầu Hòn La - Khăm Muộn. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Việt Nam - Lào 2017 (tháng 6/2017), đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như khai trương trang mạng hợp tác kinh tế thương mại chung giữa Bộ Công Thương hai nước, Hội nghị phổ biến Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào...
Tính đến hết năm 2016, Việt Nam đã có 408 dự án được cấp phép tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: Thủy điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp... Các dự án đã đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 801 triệu USD. Quý I/2017, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt trên 236 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ.