Cập nhật hình ảnh lưới điện bị tàn phá bởi siêu bão Yagi Bão Yagi đổ bộ, lịch cắt điện Hà Nội thế nào? Chùm ảnh: Thành phố Hạ Long tan hoang sau khi siêu bão Yagi càn quét |
Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h chiều nay (7/9), bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong đó, bão đã làm 4 người chết (3 người ở Quảng Ninh, 1 người ở Hải Dương) và 78 người bị thương gồm 58 người ở Quảng Ninh, 20 người ở Hải Phòng.
Quảng Ninh cũng gánh nhiều thiệt hại do bão Yagi - Ảnh: Giang Huy |
Về tài sản, 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải đứt neo trôi dạt. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
Nhiều nhà ở hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, tại Hải Phòng, có một cột điện bị đổ, 20 cây xanh gãy cành, bật gốc. Quảng Ninh có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, nhà cao tầng vỡ kính, hàng trăm cây gãy đổ ở Móng Cái, Cẩm Phả và Hạ Long.
Tại Hà Nội, 67 cây xanh bật gốc, một ngôi nhà bị tốc mái. Hòa Bình ghi nhận 19 nhà tốc mái và 2 cột điện đổ. Hưng Yên mất hơn 2.900 ha lúa và hoa màu, cùng với 42 ngôi nhà bị tốc mái. Riêng tại Thái Bình, hơn 1.000 cây xanh bật gốc, 17 trạm biến áp bị hư hỏng và 20 hộ dân chịu ảnh hưởng.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai khuyến cáo: đối với tuyến biển, đảo, tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè; kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20h tại khu vực Hà Nội đến 22h ngày 7/9.
Cạnh đó, đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn...
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông...
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, bão di chuyển với tốc độ khoảng 20km/h. Với tốc độ như vậy, suốt đêm nay, các địa phương khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, gồm cả các tỉnh Đông Bắc vẫn tiếp tục có gió giật mạnh. Riêng tối nay, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khả năng hứng chịu gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.
Thủ đô Hà Nội tiếp tục mưa bão suốt đêm nay. Trong đó, từ nay đến nửa đêm, có thể xuất hiện gió mạnh cấp 6, 7, giật cấp 10, 11.
Từ sáng mai (8/9), bão số 3 đi sâu vào khu vực Tây Bắc Bộ, cường độ suy giảm dần thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.