2 doanh nghiệp còn lại đã bỏ cọc
Theo đó, hôm nay là thời hạn chót của 180 ngày để Công ty CP Sheen Mega và Công ty CP Dream Republic - hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm nộp tiền sử dụng theo hợp đồng mua – bán đã ký với UBND TP HCM. Tuy nhiên, đến cuối ngày các doanh nghiệp vẫn chưa nộp số tiền hơn 7.800 tỉ đồng theo quy định. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cả 4 doanh nghiệp trúng thầu đấu giá đất Thủ Thiêm đều đã bỏ cọc.
Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa UBND TP.Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, hết hạn 180 ngày mà hai doanh nghiệp không nộp đủ tiền sẽ bị mất tiền cọc.
Trước đó, vào tháng 4/2022, hai doanh nghiệp này có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022 nhưng không được chấp nhận.
Sau đó, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega có văn bản cam kết sẽ thanh toán một khoản tiền 100 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước trước ngày 30/4/2022, để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau đó, hai doanh nghiệp này vẫn không nộp tiền theo cam kết.
Đánh giá về sự việc này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, theo quy định đấu thầu, khi đến hạn nộp nhưng các doanh nghiệp không đóng tiền thì sẽ mất cọc. Tiền cọc các doanh nghiệp đã nộp sẽ bị xử lý, nộp vào ngân sách nhà nước.
4 doanh nghiệp đấu giá đất đều đã bỏ cọc |
Như vậy, trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm thì 2 doanh nghiệp đã xin bỏ cọc, còn lại 2 doanh nghiệp (Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega) có khả năng mất cọc nếu không nộp đủ hơn 8.000 tỷ đồng gồm cả tiền trúng đấu giá đất và tiền chậm nộp vào hôm nay.
Cụ thể, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega sẽ bị mất số tiền cọc tương ứng đã đóng lần lượt là hơn 115 tỉ đồng và hơn 203 tỉ đồng.
Ngoài bị mất tiền cọc, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega còn bị cơ quan thuế TP phạt tiền chậm nộp theo quy định 0,03%/ngày cho 2 đợt phải nộp tiền (đợt 1 từ ngày 6/2 và đợt 2 từ ngày 7/4). Với số tiền chậm nộp phải trả hơn 2,3 tỉ đồng/ngày, đến nay tiền chậm nộp của mỗi doanh nghiệp đã lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Đại diện Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hôm nay nếu hai doanh nghiệp này không nộp tiền thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực, thành phố sẽ hủy hợp đồng và thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất.
Trước đó, cơ quan thuế cũng đã ban hành quyết định cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với số tiền phải nộp đợt 1, nhưng Chi cục Thuế TP Thủ Đức vẫn chưa cưỡng chế được do tài khoản của hai doanh nghiệp này… không có tiền.
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang chờ văn bản chính thức từ Cục thuế TP.Hồ Chí Minh. Căn cứ theo quy định, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP theo hướng chấm dứt hợp đồng và TP.Hồ Chí Minh sẽ có chỉ đạo cụ thể để đánh giá lại các nội dung đấu giá đất.
Cần chính sách để bình ổn thị trường
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, qua vụ đấu giá đất Thủ Thiêm có thể thấy, cả 4 đơn vị đều có chung mẫu số là đẩy giá cao nhưng không ai mua. Trường hợp công ty trúng đấu giá đơn phương xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì vẫn nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đối với toàn xã hội.
Đồng thời, đây có thể chính là hình thức “thổi giá” của doanh nghiệp nhằm lợi dụng việc đẩy giá đất tại khu vực lên cao để tranh thủ bán các bất động sản mà doanh nghiệp đó hoặc các doanh nghiệp có liên quan đang kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Điển hình như câu chuyện của Tân Hoàng Minh, chúng ta thấy, doanh nghiệp này có quỹ đất xung quanh, họ bỏ giá cao để đẩy giá các khu vực xung quanh lên để trục lợi và làm nhiễu loạn thị trường.
Khi 4 doanh nghiệp bỏ cọc, thị trường bất động sản có đủ cơ sở để đánh giá là phi thị trường, khác với những dự báo trước đây khi các doanh nghiệp trúng thầu là giá đất sẽ còn tăng. Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định, giá đất hiện nay khá cao và nhiễu loạn. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách để ổn định lại thị trường.