Tại buổi làm việc cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động sở hữu trí tuệ nhân dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) do Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) vừa tổ chức, VHT cho biết: VHT hoạt động ở 3 lĩnh vực chính: Công nghệ quân sự; công nghệ viễn thông và thiết bị dân dụng.
Là đơn vị chủ lực của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, tính đến thời điểm hiện tại VHT đã đăng ký tổng cộng 276 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, trong đó năm 2020 đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế.
Buổi làm việc cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động sở hữu trí tuệ do Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) tổ chức |
Đặc biệt, VHT đã được Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp mới 4 bằng sáng chế quốc tế gồm: “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” - Trung tâm Nghiên cứu OCS; “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ” - Trung tâm Radar; “Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số” - Trung tâm Mô hình mô phỏng; “Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến” - Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng.
Ngoài ra, VHT còn được cấp bằng 19 sáng chế trong nước, 5 giải pháp hữu ích và 7 sở hữu độc quyền kiểu dáng, 25 bài báo được đăng và trình bày tại các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Bảo hộ các tài sản trí tuệ bằng việc đăng kí các sáng chế cấp quốc gia, quốc tế là cơ sở quan trọng để VHT làm chủ sở hữu công nghệ lõi, sẵn sàng hội nhập thế giới, có đầy đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, khẳng định vị trí dẫn đầu của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”.
Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nhận định: Bất cứ một công ty nào, tổ chức nào muốn phát triển công nghệ riêng của mình hay các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ riêng thì bắt buộc phải chú ý vấn đề sở hữu trí tuệ ngay từ sớm. Nếu không thì một lúc nào đó sản phẩm mình tạo ra có thể bị đối thủ copy, thậm chí họ lấy chính công nghệ đó đăng ký sở hữu trí tuệ, thì chúng ta sẽ mất cả công nghệ và lợi thế cạnh tranh.
“Do đó, ngay từ đầu, lãnh đạo Viettel rất hiểu vấn đề này và xác định rõ: Một tổ chức muốn đứng được ở trên thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ và cần thúc đẩy từ rất sớm. Chính điều đó là động lực cho Viettel và VHT đăng ký sở hữu trí tuệ” - ông Nguyễn Cương Hoàng nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ, năng lực, sức mạnh của các đơn vị nghiên cứu thể hiện ở chính sở hữu trí tuệ và những sáng chế được cấp.
Trên thế giới hiện nay, Hoa Kỳ được coi là một trong những nước có nhiều sáng chế nhất. Các bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cơ quan đăng ký nhãn hiệu và sáng chế sẽ phải qua rất nhiều quy trình kiểm duyệt, đánh giá ngặt nghèo nhất thế giới. Vì vậy, để được cơ quan này cấp phép bằng sáng chế là quá trình vô cùng khó khăn.
Đại diện Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng kí bằng sáng chế của Viettel tăng trưởng liên tục. Việc Viettel có 4 bằng sáng chế được Mỹ cấp bằng sáng chế có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định năng lực công nghệ và định hướng phát triển mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.
Bằng sáng chế do Hoa Kỳ bảo hộ là sự ghi nhận những phát minh, nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, LG, Nokia… Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp tiến vào đấu trường thế giới.