Đà Nẵng- Cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma Cựu tù Côn Đảo trao quà cho 13 gia đình liệt sĩ Gạc Ma |
35 năm mẹ Huệ vẫn chưa nguôi nỗi nhớ con trai, người đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma 1988.
Đằng đẵng 35 năm qua, mẹ của chiến sỹ Lê Thế hy sinh trong sự kiện Gạc Ma 1988 vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ, mong một ngày đón nhận phần xương cốt con về với quê nhà.
Bức thư cuối cùng
Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm bà Trần Thị Huệ (81 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), mẹ liệt sỹ Lê Thế (SN 1967), một trong 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.
35 năm qua, kỷ vật duy nhất đến giờ bà Huệ còn lưu giữ là bản phô tô, ép plastic bức thư cuối cùng của liệt sỹ Lê Thế viết tại Quân cảng Cam Ranh vào ngày 29/2/1988.
Bà Huệ bảo, nhà có 3 đứa con, Thế là con đầu. Chồng bị bệnh mất lúc Thế mới 6 tuổi, 2 em thì đứa lên 3, đứa còn nằm nôi, một mình mẹ bán buôn chăm bẵm 3 đứa con.
Bà Trần Thị Huệ, mẹ liệt sỹ Lê Thế, một trong 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. |
Bà Huệ kể, được làm bộ đội, khoác lên mình chiếc áo của người lính là niềm mơ ước từ nhỏ của anh Thế. Nhưng vì khối u nhỏ ở mắt trái nên ba lần bảy lượt đi khám, Thế vẫn không được tuyển vào quân ngũ. Quyết tâm vào bộ đội, Thế đi khám, nhờ bác sỹ cắt bỏ khối u. Vậy là lần nữa anh đi khám nghĩa vụ và được gọi tên lên đường nhập ngũ.
“Hôm đó nó chạy về ôm chầm lấy tôi báo tin đã được tuyển vào bộ đội. Nó bảo con đi bộ đội, khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, con sẽ về giúp mẹ làm nhà. Giúp mẹ làm xong nhà nó mới cưới vợ và sẽ chăm, bù đắp cho mẹ”, bà Huệ kể.
Vào quân ngũ, anh Thế được đơn vị đưa đi huấn luyện ở Hội An (Quảng Nam) sau đó chuyển đến huấn luyện tại Đồng Xanh-Đồng Nghệ (Đà Nẵng) rồi về đóng quân tại cảng Tiên Sa.
“Đóng quân tại Tiên Sa, lâu lâu được nghỉ phép nó tranh thủ về thăm tôi và mấy đứa em. Tôi nhớ mãi Tết năm 1988, nó nói với tôi là Tết năm ni con ăn Tết tại đơn vị nên tranh thủ về thăm má, ra Tết đi vô Cam Ranh đóng quân rồi”, bà Huệ nhớ lại.
Vào Cam Ranh, anh Thế viết thư về cho mẹ thông báo sẽ ở lại đây khoảng 2 tuần lễ rồi sẽ lên tàu ra đảo Trường Sa và hẹn ngày hoàn thành nghĩa vụ với đất nước sẽ về đoàn tụ. Trong thư, anh dặn dò mẹ phải giữ gìn sức khỏe, căn dặn các em phải thương yêu nhau, giúp đỡ mẹ. Nhưng, đó là bức thư cuối cùng và cũng là kỷ vật duy nhất đến giờ của anh mà bà Huệ còn lưu giữ.
“Bức thư này mẹ đã hiến tặng để trưng bày tại Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở Cam Ranh. Mẹ chỉ giữ lại bản phô tô để mỗi khi nhớ con, mẹ mang ra đọc và trò chuyện với nó. 35 năm rồi, nó đi miết tới chừ vẫn chưa về”, bà Huệ mắt ngấn lệ khi cầm bức thư trên tay.
Đã 35 năm trôi qua, mỗi lần đọc lại lá thư, bà Huệ vẫn như cảm nhận rằng con trai mình đang bên cạnh. Bà đưa lá thư cho tôi, giọng run run: “Chú xem nè, nó là đứa con rất chu đáo. Trong thư nó dặn tôi giữ sức khỏe và không phải lo lắng gì cho nó. Nó bảo chỉ ở Cam Ranh chừng 2 tuần rồi sẽ đi đảo Trường Sa. Nó hẹn ngày trở lại Đà Nẵng đoàn tụ cùng mẹ và các em nhưng đi mãi, 35 năm rồi”.
Bà Trần Thị Huệ và kỷ vật, lá thư cuối cùng của liệt sỹ Lê Thế. |
Lần gặp con cuối cùng
Bà Huệ kể, ngày Mồng 10 Tết 1988, anh Thế về thăm nhà, rồi tạm biệt gia đình để chuyển đi Cam Ranh. “Trước khi đi hắn còn nói là má với em ở nhà mạnh khỏe, con đi Cam Ranh đóng quân. Má đừng lo, vô trong đó có đồng đội, anh em đông vui lắm. Rồi sau đó hắn đi, hắn đi miết tới chừ chẳng về!”, bà Huệ mắt đỏ hoe, lặp đi lặp lại câu "nó đi miết chẳng về".
Nhớ lại cái ngày đau thương ấy, nước mắt bà Huệ lăn dài: “Bẵng đi chục ngày không nhận được tin con, tôi bắt đầu lo lắng. Sau đó, người đơn vị Thế đóng quân đến nhà thông báo rằng tàu hải quân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt. Lúc ấy tôi cũng nghĩ thằng Thế bị bắt, nhưng sau đó thì nhận tin nó mất tích. Linh tính người mẹ mách bảo tôi rằng nó và đồng đội hy sinh rồi. Bởi nó là người chu đáo, đi đâu cũng viết thư báo về để thăm mẹ, thăm em chứ không có chuyện mất tích”.
Lau nước mắt, bà Huệ kể: “Sau này tôi mới nghe đồng đội nó kể lại, sáng 14/3/1988, một chiếc sà lan với 7 chiến sỹ trên tàu Việt Nam được thả xuống và nỗ lực cập bãi đá Gạc Ma. Khi lên đảo, lính Trung Quốc hung hăng giật cờ Việt Nam thì mình giật lại. Sau đó Trung Quốc nổ súng bắn. Rồi chúng nổ pháo bắn chìm tàu Việt Nam. Lúc này thằng Thế còn đang trên tàu cùng đồng đội. Nó mới có 23 tuổi thôi. Nghĩ tới đó thôi là tim quặn thắt”.
35 năm trôi qua, niềm mong ước lớn nhất của bà Huệ là tìm được xương cốt con, dù chỉ là một chút thôi để xây cho con nấm mồ.
Đằng đẵng 35 năm, bà Huệ vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ, mong một ngày đón nhận phần xương cốt con về với quê nhà. |
“Cách đây mấy năm có đoàn cán bộ ở Hà Nội vào lấy mẫu máu của tôi để làm xét nghiệm ADN. Họ nói rằng nếu trùng khớp với xương cốt liệt sỹ Thế thì thông báo cho gia đình biết. Tôi cũng ngày đêm mong ngóng và hy vọng. Giờ già rồi, chỉ mong được nhận chút xương cốt thằng Thế về quê yên nghỉ. Mong là sớm được tìm thấy nó và đồng đội của nó. Chứ hắn đi mà để mẹ trông chờ ri răng được…”, bà Huệ nghẹn ngào.
35 năm trôi qua cũng là chừng đó thời gian bà Huệ sống với những lời dặn dò sau cùng của đứa con trai cùng lời hẹn ước dang dở về ngày đoàn viên.