Trước khi tiêm vắc xin covid-19, người lao động được khám sàng lọc rất kỹ từng bước theo quy định cũng như đảm bảo an toàn về khoảng cách để phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi tiêm vắc xin, động viên người lao động yên tâm và tin tưởng vào công tác phòng chống dịch và mong mọi người nâng cao tinh thần trong công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng kiểm tra kiến thức cơ bản của các y, bác sĩ về phản ứng khi tiêm, lưu ý các địa chỉ gần nhất khi cần thiết chuyển viện cấp cứu, yêu cầu phải có thuốc chống sốc để sử dụng nếu không may xảy ra sự cố phản vệ.
3.000 lao động May Nhà Bè được tiêm vắc xin Covid-19 |
NBC là một trong những thành viên đầu tiên thuộc Vinatex tiến hành tiêm vắc xin cho người lao động. Trước đó, chia sẻ về tầm quan trọng của vắc xin với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex - nhấn mạnh: Nếu thiếu vắc xin, không miễn dịch được cộng đồng, chúng tôi rất căng thẳng và phải tổ chức sản xuất theo phương pháp giãn cách, không hoạt động đủ công suất thiết kế. Đơn cử, một nhà xưởng may trung bình thiết kế cho 1.200 người lao động làm việc, nhưng khi phải giãn cách thì chỉ có thể đảm bảo cho 700 - 800 người. Tổ chức sản xuất như thế không có hiệu quả. Không là giải pháp lâu dài và doanh nghiệp chỉ có thể chịu đựng được trong vòng 1-2 năm, không thể kéo dài hơn. Việc tiêm vắc xin là giải pháp ý nghĩa giúp doanh nghiệp dệt may có thể đảm bảo sản xuất trong thời gian tới.
Tập đoàn đảm bảo kinh phí lo tiêm vắc xin cho 150.000 người lao động trong đợt đầu. Sau khi có đủ nguồn vắc xin, Vinatex cam kết xem xét lo nguồn kinh phí để tiêm cho cả người nhà của người lao động. “Tổng chi phí dự tính khoảng 400 tỷ đồng, chúng tôi không huy động, mà coi đây là việc cần làm của từng doanh nghiệp trực thuộc Vinatex”, ông Lê Tiến Trường nói.