Theo Sở Du lịch Hà Nội, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020 khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt 8,65 triệu lượt, giảm 70% so với năm 2019; trong đó khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt (giảm 84,4%), khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt (giảm 65%). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 28 nghìn tỷ đồng (giảm 73%). Nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, lưu trú, vận chuyển bị thiệt hại phải tạm dừng hoặc thôi không hoạt động. Tính chung, toàn ngành du lịch Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD trong năm 2020.
Tập trung thu hút khách nội địa |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định, năm 2020 là “thảm kịch” tồi tệ nhất của ngành du lịch quốc tế từ năm 1920 đến nay. Đối với Hà Nội, ngành du lịch và dịch vụ chiếm tỷ trọng 63% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Năm 2019, riêng du lịch trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho GRDP thành phố 12,54%. Năm 2020, cả khách quốc tế và khách nội địa đều sụt giảm mạnh. Tổng lượng đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố chỉ còn khoảng 3,4%.
Theo ông Vương Đình Huệ, du lịch không phải là ngành dịch vụ mà là ngành tổng hợp, mang đậm bản sắc văn hóa, có tính liên ngành rất cao. Sự phục hồi của ngành du lịch là nhân tố quyết định nhất đến thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, thu ngân sách của Hà Nội trong năm nay. Thời gian tới, những khó khăn, thách thức dự báo vẫn còn, ngành du lịch Hà Nội phải trả lời được các câu hỏi, phát triển doanh nghiệp du lịch như thế nào và sản phẩm du lịch của Hà Nội gồm những gì?.
“Sự phục hồi của ngành du lịch là một trong những nhân tố quyết định nhất đối với tăng trưởng của thành phố trong năm 2021, dù là kịch bản cơ sở tăng 7,5% hay các kịch bản khác”- ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trước yêu cầu đó, lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị Sở Du lịch Hà Nội lập kế hoạch trình UBND thành phố để phục hồi và phát triển du lịch trong năm 2021, trong đó tập trung khai thác mạnh thị trường nội địa, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động văn hóa hỗ trợ phát triển du lịch. Phát triển các loại hình sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử kết hợp nâng cao tinh thần yêu nước cho học sinh, sinh viên; đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn tại Hà Nội…
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - kiến nghị, Hà Nội cần cơ cấu lại thị trường du lịch, rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch; tập trung thúc đẩy thị trường nội địa.
Đặc biệt, trên cơ sở các dự báo và xem xét đánh giá, so sánh kết quả đạt được trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, thực tế diễn biến dịch Covid-19, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô xác định mục tiêu năm 2021 là tập trung thúc đẩy thị trường du lịch nội địa; theo dõi tình hình dịch Covid-19 để chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Đồng thời, xây dựng 3 kịch bản phát triển du lịch trong năm 2021, với chỉ tiêu kế hoạch đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019 (tương ứng đạt từ 10,96 - 15,34 triệu lượt khách) và khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách. Công suất sử dụng phòng trung bình khối cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt trên 45%.
Ngành du lịch Hà Nội kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |