VIMEXPO 2023: Gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh nỗ lực triển khai các giải pháp điều hành trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại |
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2023, Việt Nam thu hút 1.075 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,85 tỷ USD, cùng với đó là 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký trên 6,11 tỷ USD.
Năm 2023, Việt Nam thu hút 1.075 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo |
Cũng trong năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận 529 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,38 tỷ USD. Tính chung năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022.
Với kết quả trên, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc biệt, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%. Điều này càng chứng tỏ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Lũy kế đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 16.875 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 283,026 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 19 ngành có dự án FDI đầu tư.
Như vậy, trong một thời gian dài, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nguyên nhân khiến lĩnh vực này hấp dẫn đầu tư nước ngoài là bởi Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng. Việc FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Việt Nam.
Lũy kế đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 16.875 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo |
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Hơn nữa, ngành này còn tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký, nhất là trong các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, công nghệ thông tin; sản xuất thép; xi măng; dệt may; da giày...
Kết quả thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2023 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi của ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Để nâng cao dự án FDI, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng nêu ra một số giải pháp cụ thể, trong đó xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn như: Thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ.
Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau. Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện. Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết.