Tháng 3 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135). |
![]() |
Nước sạch của Chương trình 135 lên với đồng bào Mông xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái |
Xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) trước đây vẫn được biết đến là một xã miền núi xa xôi với muôn vàn khó khăn. Đi từ trung tâm huyện Mường Tè vào Ka Lăng chỉ có cách là đi bộ, hoặc đi thuyền trên sông Đà, sau đó lên và đi bộ tiếp. Mọi thứ ở Ka Lăng khi đó đều là tự cung, tự cấp, thiếu thốn trăm bề. Người Hà Nhì ở Ka Lăng không biết từ khi nào đã hình thành thói quen ăn cơm tối lúc 5-6 chiều, trước khi trời kịp tối. Ánh sáng điện là giấc mơ đối với đồng bào dân tộc nơi đây…
Ka Lăng có lẽ sẽ khó có thể thay đổi mạnh mẽ như hôm nay nếu Chương trình 135 không đến với xã vùng cao này. Nhờ có Chương trình 135, đến năm 2016, 11 thôn, bản của Ka Lăng đã sáng điện, đường bê tông đã rút ngắn khoảng cách vào nhiều thôn, bản; đa số các bản ô tô đều có thể vào được đến trung tâm bản; mỗi ngày đã có 2 chuyến xe chạy thẳng từ trung tâm huyện Mường Tè vào Ka Lăng và từ Ka Lăng ra trung tâm huyện. Những ngôi trường mầm non, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đang từng bước nâng cao chất lượng sống của đồng bào Dao, Mông, La Hủ… ở nơi đây.
Câu chuyện của Ka Lăng chỉ 1 trong vô vàn những câu chuyện về sự đổi thay kì diệu của nhiều thôn, bản, xã, huyện vùng cao, vùng ĐBKK khi Chương trình 135 được triển khai ở các địa bàn này.
![]() |
Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều con đường dẫn vào các thôn, bản ở xã xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang, đã được bê tông hóa |
Với các hoạt động như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trung tâm cụm xã, đào tạo cán bộ, quy hoạch dân cư, hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở…, 20 năm qua, Chương trình 135 đã góp phần cơ bản vào việc thay đổi diện mạo của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Trong đó, có hàng ngàn công trình, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và cách làm mới đã giúp tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Từ xuất phát điểm rất thấp, đến nay, hầu hết các xã ĐBKK đã có đầy đủ các công trình hạ tầng. 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn...Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giai đoạn 1999-2005, giảm 4,5%/năm; giai đoạn 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/ năm).
Phát biểu tại Hội thảo “Chương trình 135 – dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào DTTS và vùng kinh tế - xã hội ĐBKK”, tổ chức ngày 28/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đánh giá cao sự quan tâm của một số cơ quan Chính phủ và Tổ chức Quốc tế đã nhiều năm, nhiều giai đoạn tham gia hỗ trợ ngân sách, hỗ trợ kỹ thuật, góp phần đưa Chương trình 135 đạt hiệu quả, từng bước thay đổi đời sống cho người nghèo. Trong đó, gắn bó sâu sắc và thường xuyên với Chương trình 135 phải kể đến: Cơ quan viện trợ của Chính phủ Ailen, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan viện trợ của Chính phủ Phần Lan, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Liên minh Châu Âu, Tổ chức CARE quốc tế…
“Nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức Quốc tế mà Chương trình 135 trở thành “thương hiệu” của Ủy ban Dân tộc nói riêng, Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo’ – Thứ trưởng Y Thông nhấn mạnh.
![]() |
Trẻ em vùng cao thích thú khi được xem tivi sau khi có điện lưới quốc gia |
Thời gian tới, bên cạnh việc huy động nguồn lực đủ lớn để thực hiện được mục tiêu Chương trình 135 đặt ra; việc phân bổ nguồn lực hợp lý, phù hợp với đặc trưng, điều kiện của từng địa phương cũng là việc làm cấp thiết, cần được tính toán và rà soát cụ thể, khẩn trương. Có như vậy, Chương trình 135 mới đáp ứng được yêu cầu là Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”…