Doanh thu giảm
Dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, có 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bắt đầu không cân đối được thu-chi như: Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), lỗ dự tính là 2.383 tỷ đồng; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lỗ 572 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), lỗ 440 tỷ đồng; Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), lỗ 111,3 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam, lỗ 97 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam, lỗ 25 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lỗ 100 tỷ đồng. Tổng số lỗ của 7 tập đoàn, tổng công ty là 3.728 tỷ đồng.
Quý I/2020, doanh thu của Vietnam Airlines ước giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 |
“Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch”- báo cáo của UBQLVNN nêu rõ.
Có 8 tập đoàn, tổng công ty sẽ bị thua lỗ với tổng số lỗ lên đến 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch. Con số này có thể tăng lên nếu tình trạng dịch bệnh còn kéo dài. Đơn cử như trong quý I/2020, doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và lỗ 2.383 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài thì năm 2020, DN ước đạt 38.140 tỷ đồng doanh thu, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Theo UBQLVNN, nguồn thu NSNN từ dầu thô của Petrolimex có thể giảm từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng dầu đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.
Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng
Để tạo điều kiện cho các DN ứng phó, duy trì hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục SXKD sau khi dịch kết thúc, UBQLVNN đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét. Cụ thể, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi về nguyên, nhiên liệu đầu vào cho việc sản xuất của các DN. Trong trường hợp đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì cho phép DN được xuất khẩu phù hợp với khả năng sản xuất.
Về hỗ trợ tài chính và chế độ chính sách, UBQLVNN đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch bệnh... Đồng thời, NHNN hướng dẫn về trình tự, thủ tục để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng.
UBQLVNN kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn, giảm khoản chậm nộp thuế, giảm thuế thu nhập DN và các khoản đóng góp vào ngân sách để đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động SXKD.