Lễ hội Dù lượn Nha Trang có gì thú vị? Hà Nội cho phép kinh doanh bay dù lượn, sân tập golf trên mặt nước Hồ Tây Đà Nẵng: Đơn vị nào đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ dù lượn tại bán đảo Sơn Trà? |
Trong một buổi sáng yên bình tại một đường băng nhiều gió, một người đàn ông đã 72 tuổi cẩn thận kiểm tra từng dụng cụ bảo hộ trước khi chuẩn bị bay dù lượn. Với từng chiếc đai, dây dù, mũ bảo hiểm và cả bộ đàm, ông Nguyễn Hữu Nam, hay còn gọi là "Bac Nam Gia" tỉ mỉ quan sát bằng mắt, chạm vào bằng tay và dùng cả cảm nhận của người đã có nhiều năm kinh nghiệm.
17 năm gắn bó với gió và bầu trời
Khi cánh dù đã căng gió, ông bước lên, chuẩn bị cho một cú chạy đà nhẹ nhàng, rồi vút lên không trung giữa tiếng hò reo của những người đang theo dõi. Cảnh tượng ấy chính là minh chứng cho niềm đam mê bền bỉ mà người phi công “già” đã nuôi dưỡng trong suốt hơn 17 năm qua.
Ông Nguyễn Hữu Nam, một phi công dù lượn 72 tuổi, người đã theo đuổi niềm đam mê bay lượn 17 năm liền, đã bay lượn khắp Việt Nam - Ảnh: NVCC |
Ông Nam bén duyên với bộ môn dù lượn từ năm 2007, khi đã 55 tuổi, một độ tuổi mà nhiều người thường nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi an dưỡng. Tuy nhiên, với bản tính đam mê thể thao và lòng yêu thích sự tự do bay lượn từ thời còn nhỏ, ông đã quyết định theo đuổi niềm đam mê này. Ông chia sẻ, thuở nhỏ từng mơ ước được bay như những cánh chim tự do ngắm nhìn quê hương từ trên cao và dù đã bước vào tuổi trung niên, ông vẫn chưa bao giờ ngừng khát khao ấy.
Ban đầu, ông chỉ đăng ký học cùng con trai, với mục đích khích lệ tinh thần và ủng hộ sở thích của con. Tuy nhiên, sau buổi tập bay đầu tiên trên đỉnh núi Viên Nam (Thạch Thất, Hà Nội), khi chứng kiến tận mắt phi công Nhật Bản bay lượn, niềm đam mê trong ông chính thức bùng cháy. Không lâu sau đó, con trai ông quyết định từ bỏ bộ môn này, nhưng ông vẫn kiên định theo đuổi đến cùng. "Con trai tôi không chơi thì tôi chơi", ông kể lại với nụ cười đầy tự hào.
Từ đó, ông Nam không ngừng tham gia vào các đoàn bay khắp mọi miền đất nước, từ núi cao cho đến rừng sâu, từ miền Bắc đến miền Nam. Ông nhớ lại những chuyến leo núi, băng rừng, lội suối để lên các đỉnh núi cao, nơi mà chỉ việc nhìn lên thôi cũng đủ khiến người ta chóng mặt. Ở tuổi mà người khác thường nghĩ đến việc an dưỡng tuổi già, ông vẫn mải miết leo núi, vận chuyển thiết bị và tham gia vào các hoạt động mà không hề tỏ ra mệt mỏi so với đám thanh niên trai tráng trong đoàn.
Với hơn 17 năm gắn bó với môn dù lượn, ông Nam không chỉ là một phi công, mà còn là một nhân vật tiêu biểu trong cộng đồng dù lượn Việt Nam. Ông đã tham gia hàng trăm cuộc thi, biểu diễn tại hơn 20 điểm bay trên khắp cả nước, từ Hà Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, đến Đà Lạt, Nha Trang. Giờ đây, ở tuổi 72, dù sức khỏe không còn như trước, ông vẫn tham gia các giải đấu với vai trò trọng tài hoặc ban tổ chức. Và mỗi khi giải đấu kết thúc, ông lại bay lên bầu trời để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Bac Nam Gia trong một lần cất cánh ở thắng cảnh Hồ Tà Đùng (Đắk Nông) - Ảnh: Thế Duy |
Những vùng đất "dấu yêu"
Dù đã bay qua nhiều vùng đất trên khắp Việt Nam, ông Nam vẫn giữ trong lòng một tâm nguyện chưa thực hiện được, đó là được bay trên bầu trời đất thép Quảng Trị. Dù đã được các ban ngành địa phương ủng hộ nhưng đến giờ vẫn chưa tìm ra được điểm cất cánh đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật bay.
Quảng Trị là nơi hơn 50 năm trước, ông từng chiến đấu cùng đồng đội bảo vệ thành cổ trong cuộc chiến ác liệt. Khi ấy, ông đang là sinh viên năm 2 khoa Toán, nhưng đã gác lại việc học và cả tình yêu vừa chớm nở để lên đường phục vụ Tổ quốc. Cuộc chiến đã khiến nhiều đồng đội của ông mãi mãi nằm lại chiến trường. Ông may mắn được trở về và tiếp tục cuộc sống, nhưng trong lòng ông luôn khắc sâu hình ảnh những người đồng đội đã hy sinh.
Giờ đây, niềm khao khát lớn nhất của ông là đưa được phong trào dù lượn về với tuổi trẻ Quảng Trị và tổ chức một giải dù lượn đầu tiên trên mảnh đất thiêng liêng này.
"Nếu được bay trên những nơi mình từng chiến đấu thì thật tuyệt vời. Tôi đã ấp ủ giấc mơ này từ rất lâu", ông Nam tâm sự với đôi mắt đượm buồn nhưng đầy hy vọng. Đó không chỉ là ước mơ cá nhân, mà còn là cách ông tưởng nhớ đến những đồng đội đã hy sinh và cũng là lời nhắc nhở về giá trị của cuộc sống hoà bình mà ông đã may mắn được tiếp tục.
Dù đã bay qua nhiều vùng đất trên khắp Việt Nam, ông Nam vẫn giữ trong lòng một tâm nguyện chưa thực hiện được, đó là được bay trên bầu trời đất thép Quảng Trị. - Ảnh: NVCC |
Không chỉ khao khát bay trên bầu trời Quảng Trị, ông Nam còn có một tình yêu đặc biệt với Hà Giang – quê hương của ông. Ông đã thực hiện được giấc mơ bay trên bầu trời Hà Giang, ngắm nhìn cao nguyên đá và nương rẫy vùng cao ông đã mến yêu từ ngày còn thơ ấu. Đó đã là một trong những khoảnh khắc mà ông thấy tự hào, hạnh phúc nhất.
Đối với ông, dù lượn không chỉ là một môn thể thao, mà còn là cách để ông góp phần phát triển quê hương, làm cho vùng đất nơi ông sinh ra trở nên đẹp đẽ và thịnh vượng hơn.
Hành trình của "Bac Nam Gia" từ một người đàn ông trung niên đến một phi công dù lượn không chỉ là câu chuyện về niềm đam mê, mà còn là câu chuyện về sự kiên định, về lòng yêu nước và về một người cựu chiến binh luôn sống hết mình vì những ước mơ và lý tưởng.
Dù đã ở tuổi 72, ông Nam vẫn tiếp tục bay lượn trên bầu trời, mang theo những hoài bão và khát khao của tuổi trẻ và không ngừng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về tình yêu với đất và người - Quê hương Việt Nam.