Tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng còn thấp
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi hết sức căn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV phát triển. Đến nay, số lượng DNNVV chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp cả nước. Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của khu vực DNNVV có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nhằm tìm hiểu, đánh giá mức độ nhận thức của DNNVV Việt Nam về pháp luật thương mại nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thực hiện “Khảo sát nhận thức của DNNVV về pháp luật cạnh tranh”. Từ đó, thúc đẩy quá trình giám sát, rà soát thị trường, tăng cường phát hiện các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra hành vi phản cạnh tranh để đưa ra những nhận định, cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh hoặc chuẩn bị thông tin, dữ liệu giúp đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, tăng cường thực thi hiệu quả pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, kết quả của khảo sát, có thể là nguồn tư liệu hỗ trợ hoàn thiện pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn tới, phù hợp với chủ thể đang hoạt động với số lượng lớn trên thị trường là các DNNVV tại Việt Nam.
Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy, 32,96% trong 355 doanh nghiệp được khảo sát có nhận thức pháp luật cạnh tranh từ khá trở lên; doanh nghiệp có nhận thức trung bình, bao gồm “bình thường” và “đã từng nghe thấy nhưng không nắm rõ”, chiếm tỷ lệ 50,7%; điều đáng nói, có đến 16,34% doanh nghiệp “chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh”. Tuy nhiên, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nếu so sánh với một khảo sát của Cục đã thực hiện tại năm 2015 liên quan đến nhận thức của doanh nghiệp về pháp luật cạnh tranh, tỷ lệ DNNVV chưa từng biết tới pháp luật cạnh tranh có giảm mạnh.
Liên quan đến nhận thức về hành vi quy định tại Luật Cạnh tranh như hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mặc dù các hành vi này có tính chất nghiêm trọng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng chưa cao.
Tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức đúng các hành vi này chỉ từ 49% - 57%. Trong khi đó, khoảng 25% doanh nghiệp tham gia khảo sát không đưa ra nhận định về hành vi và lựa chọn “không biết”. Đáng chú ý, khoảng 20% - 30% doanh nghiệp cho rằng hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là “đúng” và được phép thực hiện. Điều này phản ánh, do nhận thức sai lệch nên các doanh nghiệp này coi các hành vi vi phạm như là thông lệ kinh doanh trên thị trường.
Đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu đúng về quy định doanh nghiệp nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường thấp, đạt 46,20%. Trong khi đó, 21,13% doanh nghiệp trả lời sai và 32,68% doanh nghiệp trả lời không biết.
Với quy định liên quan đến tập trung kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời sai hoặc không biết đối với các câu hỏi liên quan tới quy định tập trung kinh tế còn ở mức cao. Khoảng 48% doanh nghiệp trong khảo sát không biết hoặc trả lời sai về quy định thông báo tập trung kinh tế (tỷ lệ trả lời sai chiếm 22,81%, không biết chiếm 25,07%).
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng sau khi nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể ngay lập tức tự động thực hiện vụ việc chiếm khoảng 9%. Đối với quy định tập trung kinh tế có điều kiện, 33,80% doanh nghiệp không biết về quy định này, 12,67% doanh nghiệp có quan điểm không phù hợp với quy định tại Luật Cạnh tranh.
Khảo sát cũng chỉ rõ, doanh nghiệp biết tới Luật Cạnh tranh thông qua phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, trang mạng xã hội) là nguồn phổ biến nhất, với tỷ lệ lựa chọn lên đến 78,02%. Còn 38,59% doanh nghiệp biết qua hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; 44,78% qua hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức khác và 37,46% qua kênh thông tin tư vấn từ chuyên gia pháp lý, luật sư. Chỉ 2,53% số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát được biết pháp luật cạnh tranh thông qua vụ việc cạnh tranh.
Hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia
Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đánh giá, DNNVV tham gia khảo sát có mức độ hiểu biết pháp luật cạnh tranh chưa cao, chưa có khả năng vận dụng pháp luật cạnh tranh một cách hiệu quả trong thực tiễn kinh doanh, sản xuất.
Dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số đông, hơn 96% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng biến động trên thị trường khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Để tránh rơi vào tình trạng phá sản, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhiều chi phí trong đó có các chi phí hành chính, tư vấn pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân khiến mức độ nhận thức về pháp luật, đặc biệt nguy cơ xảy ra các hành vi bóp méo cạnh tranh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gia tăng. Đồng thời, do nhận thức chưa cao, doanh nghiệp còn có nhiều tâm lý lo ngại không phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu cũng như môi trường công nghiệp 4.0.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tại nhiều nước trên thế giới, việc vận dụng pháp luật cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng ngày của doanh nghiệp được xem như công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân doanh nghiệp đó. Trong khi đó, mức độ nhận thức của số đông DNNVV Việt Nam chưa nhận thấy vấn đề nêu trên.
Để tạo lập môi trường cạnh tranh, công bằng bình đẳng, tạo cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài, cũng như bảo vệ doanh nghiệp trong nước, báo cáo kiến nghị cần hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh đến từng khía cạnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách nhất quán từ trung ương đến địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch Covid-19. Đồng thời triển khai cơ chế phối hợp, thúc đẩy các dịch vụ tư vấn hỗ trợ pháp luật và phát triển kinh doanh dành cho DNNVV Việt Nam trong thời đại 4.0.