Được biết, 14 hiệp hội này gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Lương thực - thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Hà Nội (Amcham Hà Nội), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao.
Theo 14 hiệp hội này, việc giãn cách, phong toả diện rộng, kéo dài khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 giảm 49,2% so với cùng kỳ và khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông - ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
“Trong tinh thần cao nhất của cộng đồng doanh nghiệp là luôn chung tay với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới, thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách”- các hiệp hội nhấn mạnh.
Sau thời gian giãn cách kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ và mong sớm được khởi động trở lại |
Để thực hiện được, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới” thống nhất quản lý trên toàn quốc để vừa từng bước phù hợp phục hồi kinh tế, mà vẫn kiềm chế được dịch.
Trong đó, các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch (PCD) phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế Chỉ thị số 15, 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện PCD - phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Theo các hiệp hội, cả nước là một vùng, và quản lý dịch theo điểm: không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban..).
Cụ thể, công dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính (trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine). Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo của mình. Thống nhất sử dụng 1 phần mềm quản lý, khai báo PCD trên toàn quốc. Yêu cầu, quy định PCD phải được thực hiện online.
Các hiệp hội cũng đề xuất trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành PCD cho các tổ chức/doanh nghiệp. Không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ lập tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hoá bằng đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra PCD đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến.
Về phía các tỉnh thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp - là thành viên Ban chỉ đạo PCD, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Ban chỉ đạo PCD địa phương cần bố trí tăng thêm các đại diện của khối kinh tế (Công Thương, Kế hoạch Đầu tư, NN&PTNT, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội).
Kiến nghị cũng nhấn mạnh việc chấp thuận các văn bản scan, gửi online để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4. Cho phép người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ được về quê hoặc quay trở lại làm việc trước khi xét nghiệm.
Đối với công tác phòng chống dịch tại điểm sản xuất, theo các hiệp hội, điểm sản suất tự chủ lập phương án PCD, thực hiện 5K. Xét nghiệm xác xuất 10% lao động với tần xuất 7 ngày một lần. Bộ Y tế ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc test Covid trong nhà máy/doanh nghiệp (tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test - cho các trường hợp: chưa tiêm vaccine, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi). Khi có F0, khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương.
Đối với phòng chống dịch tại điểm dịch vụ, các hiệp hội kiến nghị sử dụng tối đa khả năng làm việc online, thực hiện 5K; xét nghiệm xác xuất 10% lao động với tần xuất 7 ngày một lần. Đối với hộ và cá nhân kinh doanh dịch vụ, chợ và siêu thị xét nghiệm 7 ngày/lần…
Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ ngành liên quan và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105/NQ-CP, kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)