Khoảng thời gian vừa chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế đã bước qua mốc ngày thứ 100, cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ và sự cam kết của Bộ Công Thương đã bước đầu phát huy hiệu quả rõ nét.
Cũng không chỉ dừng ở cam kết mà còn là sự vào cuộc mạnh mẽ khi tình hình càng khó khăn, hành động càng quyết liệt trong việc lo cái lo của doanh nghiệp về thị trường, về đơn hàng, nguồn cung, cả đời sống của hàng triệu lao động.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác Bộ Công Thương nắm bắt tình hình xuất khẩu tại cửa khẩu Hữu Nghị- Lạng Sơn- Ảnh: Cấn Dũng |
Điều đó đòi hỏi sự phản ứng chính sách phải ngày một nhanh cùng những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy điều hành, tư duy phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương. Cũng có cả đòi hỏi sự khai phóng trong việc xây dựng và đề xuất giải pháp, nhất là khi những diễn biến trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước không có sẵn những tiền lệ. Đó cũng là những đòi hỏi của việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo.
Dịch bệnh Covid-19 qua khoảng thời gian 100 ngày đã cho thấy nó hoàn toàn không phải là một dịch bệnh thông thường mà đó thực sự là một khủng hoảng “3 trong 1” cả về y tế, thị trường và tài chính. Cũng không còn là ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà cao hơn là sức khỏe của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 còn ở bên ngoài biên giới, với tinh thần chấp hành triệt để và chủ động các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ đã sớm nhận thức rõ những diễn biến sâu xa của dịch bệnh rồi đây sẽ trở thành những thách thức lớn cho cả nền kinh tế.
Từ xuất phát điểm đó, Bộ Công Thương có thể nói là một trong những cơ quan bộ vào cuộc sớm nhất thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đề ra là vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, với yêu cầu “không thể chống dịch bằng những văn bản hành chính” như quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Điều cần nói là Bộ Công Thương cũng là một trong những Bộ đầu tiên có báo cáo toàn diện tác động chung của dịch Covid-19 đến ngành Công Thương chỉ trong 5 ngày sau khi cuộc họp đầu tiên của thường trực Chính phủ bàn về những giải pháp phòng chống dịch Covid-19
"Chống dịch như chống giặc", đúng là như vậy. Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu tiên vào cuộc và suốt trong khoảng thời gian 100 ngày qua, các đơn vị hữu quan của Bộ đã phối hợp nhịp nhàng theo mấy nhóm công việc và cũng có thể coi là những “hướng tuyến” trong chiến lược “chống dịch như chống giặc”. “Hướng tuyến” đầu tiên là cùng với các bộ, ngành kiểm soát dịch bệnh, “hướng tuyến” thứ hai là khơi thông xuất nhập khẩu, "hướng tuyến” thứ ba là kết nối, giải tỏa cũng như đáp ứng cung cầu của thị trường trong nước và “hướng tuyến” thứ tư là bảo đảm bình ổn cho ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, năng lượng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: Cấn Dũng |
Những hướng tuyến này dường như ngang bằng nhau về độ “nóng” của diễn biến mà ở đó đòi hỏi các giải pháp xử lý đưa ra không chỉ mau lẹ, “áp” được ngay vào thực tiễn mà còn đòi hỏi không được phép phạm phải sai lầm. Câu chuyện kịp thời đề xuất tiếp tục cho phép thông quan hàng hóa trên cơ sở lập khu cách ly cho các lực lượng trực tiếp vận hàng, kịp thời giải tỏa “sốt” hàng tại thủ đô Hà Nội khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, lập Tổ công tác để thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất khẩu trang vải là một trong những minh chứng.
Nếu như ở giai đoạn đầu trong việc thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra là việc đề ra kịp thời những giải pháp tháo gỡ, ứng phó với những diễn biến bất ngờ của thị trường thì ngay sau đó, trước những diễn biến mới của dịch bệnh và những dự liệu những tác động tới nền kinh tế, đó lãnh đạo Bộ Công Thương trên cơ sở nhận định tình hình đã kịp thời đề xuất những giải pháp dành trọng tâm cho doanh nghiệp bởi lúc này những khó khăn của doanh nghiệp đã hiện rõ.
4 câu chuyện nổi lên của doanh nghiệp thời gian gần đây như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trong quá trình nắm bắt cập nhật thông tin, trực tiếp khảo sát tại các địa phương, nơi cửa khẩu, doanh nghiệp cũng chính là các vướng mắc bức bách nhất của cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ đều gặp phải. Và có “bắt mạch” đúng mới có giải pháp trúng, kể cả những giải pháp vượt lên đặc tính cố hữu là độ trễ.
Đó là vấn đề của nguồn cung trong các chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp tham gia. Hai là vấn đề về thị trường, các thị trường có vấn đề dẫn đến cầu của thị trường giảm hẳn. Ba là vấn đề nguồn nhân công. Bốn là dòng tiền hay khả năng trong nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều cần nói ở đây là các giải pháp thời gian qua đều xuất phát từ tinh thần tin tưởng của Bộ Công Thương vào khả năng trụ vững trước khó khăn, khả năng xoay chuyển trong gian khó của doanh nghiệp. Lòng tin vốn rất quan trọng, khi nền kinh tế gặp thử thách nó lại càng quan trọng thêm. Chính phủ, Bộ khi đã tin vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp càng thêm tin vào các giải pháp của Chính phủ, của Bộ để cùng nỗ lực chung tay biến “nguy” thành “cơ”.
Những điều nói trên đây chính là những cơ sở làm nền cho những giải pháp vừa được Bộ Công Thương đề xuất tại hội nghị mới nhất của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiêp, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây thực sự là những giải pháp mang tính căn cơ, không chỉ cả trước mắt mà còn cả trong thời gian tới khi dịch bệnh qua đi để thực sự tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế, vượt qua được cú sốc cung - cầu để tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn.
Có thể kể ra ở đây những giải pháp như: gói hỗ trợ giảm tiền điện trị giá 11.000 tỷ đồng; tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh).
Đó là phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Đó là việc tạo kênh kết nối các tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm kết nối, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhanh và hiệu quả nhất.
Có một điều đáng nói ở đây là không ít trong số các giải pháp này đã có thể xuất hiện sớm hơn tại một hội nghị toàn quốc của ngành Công Thương nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp đã lên kịch bản được tổ chức vào giữa tháng 3/2020. Nói vậy để thấy rằng, Bộ Công Thương đã và luôn vào cuộc với tâm thế chủ động, quyết liệt để cho ra những giải pháp mang hơi thở cuộc sống. Bởi, như một yêu cầu cao trong việc ra “đề bài” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hóa giải những tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19 là chính sách phải có khả năng đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.
Tại hội nghị nói trên của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, bên cạnh tâm thế chú trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, những giải pháp mới cho phép tạo tâm thế mới theo đó tập trung vào khai thác những cơ hội, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành kinh tế khác trụ vững và vượt lên để tiếp tục duy trì thị trường và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giữa những giải pháp mang tính thuần túy kinh tế như đã thấy, không khó để nhận thấy có cả bóng dáng của tính nhân văn trong các giải pháp của Bộ Công Thương. Bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp, cũng tức là của cả nền kinh tế. Xuyên suốt việc thực hiện mục tiêu kép, trong đó ưu tiên cao nhất luôn dành cho việc phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm, là những toan lo bảo vệ sức khỏe từ đội ngũ công chức, viên chức ngành Công Thương cả trong và ngoài nước, của lao động trong các doanh nghiệp ngành Công Thương đến nhân lực của các doanh nghiệp cả nước, dù là thuộc về một tập đoàn hay chỉ của một xí nghiệp với 1-2 chuyền sản xuất. Câu chuyện về mối quan tâm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từ việc lo đủ vài chiếc khẩu trang y tế cho một lao động nghèo trong một ngày có thể là một gánh nặng kinh tế thời kỳ đầu của dịch Covid-19 đến việc vừa cung cấp đủ khẩu trang vải như một công cụ cho mọi người dân chống dịch, vừa bảo đảm cung cầu cũng như phát huy năng lực doanh nghiệp dệt may trong nước là một trong số đó.
Phải chăng đó cũng là cái tâm thế “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” – “Lo trước cái lo của thiên hạ” của kẻ sĩ thời trước và người làm chính sách hôm nay?!