Thủ tướng yêu cầu xem xét nội dung báo chí phản ánh về bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói về việc bệnh viện bị chậm thanh toán bảo hiểm y tế |
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm, toàn quốc có 119,24 triệu lượt khám chữa bệnh, tăng 10,6% (11,45 triệu lượt) so với 10 tháng đầu năm 2021. Tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên cả nước tăng 17,5%, số chi khám chữa bệnh đề nghị bảo hiểm xã hội thanh toán tăng 16,2%.
Tính đến ngày 30/10, tỷ lệ sử dụng dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn quốc là 79,1%, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 20 tỉnh, thành phố có tỷ sử dụng dự toán cao hơn bình quân chung toàn quốc.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế mới đây, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, thời gian qua, việc cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia vào quá trình đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế đem lại hiệu quả rõ ràng và tích cực trong việc kiểm soát giá thuốc, phân bổ số lượng thuốc vào các nhóm, giảm tình trạng giá thuốc cao bất hợp lý, đặc biệt đối với các thuốc có hàm lượng không phổ biến có giá cao bất hợp lý, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, hướng tới mục tiêu lựa chọn nhà thầu đủ năng lực cung ứng thuốc chất lượng với mức giá hợp lý.
Về các khoản chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tồn đọng từ những năm trước, đưa vào chi quyết toán năm 2021, theo ông Lê Văn Phúc, đây là những chi phí phát sinh vượt dự toán, vượt định mức kinh tế kỹ thuật và vượt tổng mức thanh toán được chấp thuận thanh toán sau khi thẩm định, xin ý kiến cơ quan chức năng.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội cũng đã nhấn mạnh, theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có thể quyết toán các chi phí được cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán cùng với các hồ sơ đề nghị đúng và đủ theo quy định. Trường hợp có các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phát sinh tăng thêm do nguyên nhân khách quan, đặc thù trong năm, thì cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh xác định nguyên nhân, trong đó cơ sở y tế có trách nhiệm giải trình, làm rõ các yếu tố tăng giảm hợp lệ. Sau khi giám định các chi phí này, cơ quan bảo hiểm xã hội mới có căn cứ để đưa vào quyết toán, hoặc xin ý kiến của các cơ quan chức năng (Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Chính phủ...) để có giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt định mức kinh tế kỹ thuật, vượt dự toán… vẫn đang được cơ sở khám chữa bệnh đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán, nhưng chưa đủ hồ sơ hợp lệ để làm căn cứ quyết toán. Nhiều cơ sở y tế đã vượt tổng mức thanh toán từ các năm trước, nhưng vẫn chưa giải trình được nguyên nhân hợp lý cho mức tăng này.
Đối với các địa phương đang có số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao, sử dụng trên 85% dự toán, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp giám sát, kiểm soát chi phí; đảm bảo thuốc, vật tư y tế. Riêng các vướng mắc, tồn đọng trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đây không phải là nợ đọng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mà hầu hết các trường hợp này vướng do chưa đủ hồ sơ, thủ tục, điều kiện để thanh quyết toán. Do vậy, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan trên địa bàn cần tăng cường phối hợp để có hướng giải quyết dứt điểm…
Để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ thực hiện chính sách bảo hiểm y tế 2 tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Đức Hòa đã đề nghị các đơn vị xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ.
Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lưu ý các tỉnh thành phố theo dõi sát tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại Sở Y tế, các bệnh viện, để có ý kiến kịp thời, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm không đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó thực hiện quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2022 trên cơ sở Nghị quyết 144/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung hướng dẫn và có văn bản giải quyết các chi phí đề nghị quyết toán phát sinh trước năm 2021 còn tồn đọng.
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu, Bảo hiểm Xã hội các địa phương tăng cường kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số bệnh viện, phối hợp với tổ công tác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.