Ngày 14/12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45 về khuyến công Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công |
Kết quả ấn tượng
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP (Nghị định 45) của Chính phủ về Khuyến công, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương thông tin: Về công tác chỉ đạo, điều hành, sau khi Nghị định 45 được ban hành, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai sâu rộng đến các đối tượng, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn cũng nhanh chóng được thực hiện nhằm sớm đưa Nghị định vào cuộc sống.
Hệ thống khuyến công trên toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả.
10 nội dung hoạt động quy định trong Nghị định 45 tùy theo từng giai đoạn được Bộ Công Thương triển khai phù hợp. Nổi bật, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 113.370 lao động với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%; hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương báo cáo tại Hội nghị |
Thông qua chương trình khuyến công, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức 28 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 3 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Về công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tính đến hết năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức được 6 lần bình chọn cấp khu vực với 1.630 sản phẩm đạt và 4 lần bình chọn cấp quốc gia với 512 sản phẩm đạt. Ngoài ra, các nội dung khác như: Hợp tác quốc tế và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công… cũng đã được triển khai đạt hiệu quả tốt.
Đáng kể, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công trong 10 năm qua là 19.082 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách khuyến công là 9.541 cơ sở.
Đánh giá về kết quả đạt được của chương trình khuyến công 10 năm qua, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Những mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Nghị định 45 và các Quyết định khác liên quan đã và đang được thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể.
Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công |
Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp... đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn. "Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu..." - ông Trung nhấn mạnh.
Cần cập nhật chính sách cho phù hợp với điều kiện mới
Nghị định 45 sau 10 năm triển khai đã được chứng minh về tính hiệu quả, từ thực tế địa phương, tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định: Thời gian qua, hoạt động khuyến công được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các cơ sở công nghiệp nông thôn và được đánh giá cao.
Để phát huy hiệu quả đạt được của chính sách này, ông Nguyễn Đức Vượng đề nghị: Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ sửa đổi nội dụng Nghị định 45 tập trung vào một số nội dung mới như ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ đối với ngành sản xuất chế biến sản phẩm có thế mạnh tại địa phương, những sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; cân đối, bố trí thêm kinh phí khuyến công quốc gia để các địa phương có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Hội nghị |
Đối với Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị: Nghiên cứu, xem xét sửa đổi, điều chỉnh nội dung của Thông tư số 28/2018/TT-BTC theo hướng nâng mức hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm tạo điều kiện để cơ sở có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển.
Là địa phương đạt nhiều kết quả trong triển khai công tác khuyến công ở khu vực miền Trung, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: Sau 10 năm thực hiện Nghị định 45, Quảng Ngãi đã triển khai được 85 đề án, từ đó góp sức đáng kể cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai Nghị định địa phương còn vướng một số tồn tại. Trong đó, công tác tuyên truyền về khuyến công chưa sâu rộng; nội dung quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có đề án lớn, trọng điểm; đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn tiềm lực tài chính hạn chế khó ứng dụng máy móc thiết bị mới…
Nguyên nhân, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác còn hạn chế, sự phối hợp của các cấp các ngành trong triển khai công tác khuyến công chưa chặt chẽ. Từ tồn tại trên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: Tiếp tục kế thừa công tác khuyến công đạt được trong thời gian qua để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; quan tâm hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp.
“Thúc đẩy phát triển khuyến công là quá trình lâu dài, ngoài nỗ lực của địa phương công tác khuyến công quốc gia rất quan trọng, địa phương mong muốn có nhiều chính sách mạnh mẽ hơn nữa giúp địa phương thuận lợi hơn nữa trong công tác khuyến công” - ông Trần Phước Hiền nhận định.
Trước phản ánh của các địa phương, lãnh đạo Cục Công Thương địa phương thông tin: Về cơ chế chính sách, Bộ Công Thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về công tác khuyến công bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữa tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trực thuộc Sở Công Thương tại các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương; nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các đơn vị thực hiện.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, sáng tạo, gắn trách nhiệm quản lý với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án, nhiệm vụ khuyến công…