Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTA
Theo VASEP, tính đến nửa đầu tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt 9,5 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chỉ đạt trên 51 triệu USD, giảm 20,8% so với năm 2020.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTA |
Trước sự kiện Brexit (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên minh châu Âu -EU), Anh vẫn là thị trường hấp dẫn và tăng trưởng tốt cho cá tra Việt Nam. Nhưng sau hơn một năm khi Anh rời khỏi EU, xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh chưa được như kỳ vọng của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Theo VASEP, năm 2021, Việt Nam có đến gần 60 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh và 2 tháng đầu năm nay cũng có gần 20 DN tích cực đẩy mạnh xuất cá tra sang thị trường này.
Theo các chuyên gia trong ngành, Anh vẫn được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho DN cá tra Việt Nam với nhiều sản phẩm đa dạng từ đông lạnh tới giá trị gia tăng như: cá tra phile đông lạnh, cá tra cắt khúc/cắt khoanh đông lạnh, cá tra tẩm bột chiên đông lạnh, cá tra cắt portion đông lạnh, cá basa kho tộ, cá tra nguyên con đông lạnh, cá tra xiên que tẩm bột gia vị đông lạnh, canh chua cá tra đông lạnh, da cá tra sấy khô…
Ngày 1/5/2021, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) cũng chính thức có hiệu lực. Theo hiệp định này, thuế nhập khẩu của Anh sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm.
Tuy nhiên, cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu cũng chưa khai thác được tiềm năng của hiệp định do phải đối mặt với đúng thời điểm đại dịch Covid-19 căng thẳng gây gián đoạn chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu.
Hiện thị trường Anh đang khan hiếm cá thịt trắng, VASEP nhận định, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể nắm bắt để đẩy mạnh doanh số bán hàng ở thị trường này.
Để khai thác thị trường Anh, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ UKVFTA, VASEP khuyến nghị, các DN chế biến, xuất khẩu cũng như người nuôi trồng thủy sản cần tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường.