Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam
Quang cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo về phía tỉnh Quảng Ninh có bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Cao Tường Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và gần 250 đại biểu là thành viên hội đồng, các nhà khoa học lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác, lý luận, phê bình, sản xuất, trình diễn, quảng bá tác phẩm…
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và những định hướng đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), thì hoạt động VHNT thời gian qua chưa phát triển tương xứng, còn bộc lộ không ít yếu kém, khuyết điểm. Khuynh hướng chạy theo hình thức, xem nhẹ các giá trị thẩm mỹ và nhân văn của VHNT chưa được khắc phục, mà có lúc, có nơi chiều hướng gia tăng. Đời sống VHNT vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự trông đợi và kỳ vọng của công chúng… Hoạt động lý luận, phê bình còn trầm lắng, thiếu tính tích cực, chủ động, sắc bén, còn bộc lộ khá rõ tính nghiệp dư, tự phát, chưa đáp ứng được yêu của thực tiễn sáng tác và tiếp nhận VHNT…
GS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT khai mạc hội thảo |
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong báo cáo đề dẫn cuộc hội thảo cũng đánh giá, nhìn một cách khái quát trên tất cả các lĩnh vực, bức tranh VHNT, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, phê bình, lẫn sáng tác, dễ dàng nhận thấy một thực trạng VHNT khá sôi động, phong phú và đa dạng, nhưng lại khá ngổn ngang, bề bộn và phức tạp. Dường như đang thiếu một trật tự, một cây đũa chỉ huy có hiệu lực và quyền uy. Cảnh tượng “Bách gia tranh minh”, “trăm hoa đua nở” tuy chưa thực sự hiện hữu, nhưng không còn là chuyện quá xa lạ, khó hình dung trong thực tiễn VHNT của chúng ta hiện nay.
Từ thực tế trên, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển” là bước đi liền mạch, khoa học của hội đồng, nhằm nhận diện, đánh giá khuynh hướng vận động và phát triển. Trên cơ sở đó, đề xuất định hướng và các giải pháp tiếp tục phát triển lĩnh vực quan trọng này trong thời kỳ mới.
Chủ đề hội thảo lần này là sự tập hợp, tiếp thu đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các ủy viên hội đồng, cũng như sự quan tâm góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, văn nghệ sỹ. Với gần 67 bài tham luận gửi về hội thảo, khẳng định tầm quan trọng của đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay trên cả bình diện lý luận và thực tiễn, cũng như nhận sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của những người hoạt động trên lĩnh vực đặc thù như VHNT.
Gần 70 bài tham luận tại hội thảo đã tập trung vào những nội dung chính. Thứ nhất, trao đổi phân tích, nhận diện các xu hướng vận động diễn ra ở từng lĩnh vực VHNT cụ thể. Thứ hai, đánh giá lý giải thực trạng. Thứ ba, phân tích các yếu tố tác động, chi phối quá trình vận động và phát triển của các xu hướng. Thứ tư, chỉ ra những xu hướng tích cực và không tích cực; làm rõ vai trò chủ đạo của VHNT, đưa ra các dự báo, cảnh báo cần thiết. Thứ năm, trao đổi, đề xuất các giải pháp, kiến nghị, góp phần định hướng cho phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh- Đỗ Thị Hoàng cho biết trong thời gian qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh nỗ lực, đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy tiềm năng lợi thế và các nguồn lực, ý tưởng để tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH. Vì thế, Quảng Ninh cơ bản đạt được những thành tựu lớn trên nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Tới đây Quảng Ninh được vinh dự đăng cai năm du lịch Quốc gia vào năm 2018, đăng cai diễn đàn du lịch ASIAN vào năm 2019 và đang mong chờ Quốc hội thông qua Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt do Quảng Ninh đề xướng. Do đó, Quảng Ninh mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành, bên cạnh động viên, khích lệ tỉnh Quảng Ninh; chuyển tải tới bạn bề quốc tế về hình ảnh, non nước con người Quảng Ninh; nhân lên cái đẹp, các hay và chống lại sự suy thoái, cái xấu đúng như mục tiêu hội thảo đề ra.
Bà Đỗ Thị Hoàng hy vọng rằng, những mong muốn của tỉnh Quảng Ninh sẽ được đội ngũ văn nghệ sỹ chung tay, để nhân lên quyết tâm không chỉ trong khuôn khổ hội thảo mà cả chặng đường phía trước.