Xả rác thải bừa bãi "bức tử" môi trường: Cần chế tài mạnh, xử lý nghiêm
Câu chuyện rác thải gây ô nhiễm môi trường vẫn thường xuyên được nhắc đến. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục. Thế nhưng, việc rác thải vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn trên cả nước, tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, ở các nơi trên địa bàn các quận huyện. Điều này không chỉ tác động xấu đến môi trường sống, sức khỏe của người dân, gây mất mỹ quan đô thị, mà còn gây bức xúc trong nhân dân.
Khảo sát một vòng quanh thành phố Hà Nội, không khó để thấy tình trạng các loại rác thải bủa vây khắp các tuyến đường, các con suối, mương, cống thoát nước, điển hình nhất là tại các dự án chậm tiến độ đất đang bị bỏ hoang hóa…Tình trạng này cũng xảy ra “như cơm bữa” ở những nơi công cộng, địa điểm vui chơi giải trí, tham quan du lịch.
Tình trạng đổ rác thải vẫn diễn ra hàng ngày, trên nhiều tuyến phố gây ô nhiễm môi . |
Theo quy định tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã nêu rất rõ hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định sẽ bị xử phạt. Theo đó, hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tùy mức mức độ vi phạm nặng nhẹ mà hình phạt sẽ được áp dụng tương ứng.
Mặc dù đã có chế tài xử lý như vậy, tuy nhiên, trên thực tế, hành vi vứt rác thải bừa bãi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và thậm chí là ngang nhiên giữa ban ngày. Và, không phải các cá nhân vứt rác thải bừa bãi đều bị xử phạt hành chính và thậm chí số người bị xử phạt về hành vi này không nhiều. Có lẽ đây cũng là tâm lý chung của những người thiếu ý thức khi vẫn nghĩ rằng "thôi cứ vứt bừa", sẽ không có ai để ý đến hành động của họ, hay chẳng cơ quan chức năng nào đi kiểm tra, xử phạt việc vứt rác bừa bãi ấy?
Việc đổ rác thải đúng nơi quy định không khó thực hiện. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt, thói quen bỏ rác bừa bãi hình thành rất lâu, nên cần phải thay đổi nhận thức của mỗi người dân. Một khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân không thay đổi, thì bài toán ô nhiễm môi trường vẫn nan giải. Bởi vậy, “nút thắt” ấy cần được tháo gỡ một cách triệt để và cần phải được thực hiện ngay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bày tỏ với người viết cho rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải bừa bãi vẫn chưa đủ sức răn đe với những cá nhân vô ý thức. Vì vậy, rất cần thiết cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, đưa ra những chế tài xử lý mạnh tay, quyết liệt hơn nữa.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp tuyên truyền, thậm chí có biện pháp làm sao phải để người dân thấy được rằng, hành động vứt rác thải bừa bãi là đáng lên án, nỗi xấu hổ với bản thân, gia đình và toàn xã hội. Có như vậy, mới ngăn chặn không để xảy ra và tiếp diễn hành vi vứt rác thải bừa bãi của người dân.
Với sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta mới bảo vệ được môi trường sống xanh-sạch-đẹp của hiện tại và cho thế hệ mai sau.