Thứ bảy 23/11/2024 21:35

Vùng đồng bằng sông Hồng: Thu hút đầu tư phải có chọn lọc, không chạy theo số lượng

Theo các chuyên gia, vùng đồng bằng sông Hồng cần lựa chọn kỹ càng các dự án đầu tư, không chạy theo số lượng và làm sao tạo ra giá trị gia tăng cao nhất.

Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực

Chiều 19/7, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp - đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP các địa phương và vùng, đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng khá cao; cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực.

Trong đó, một số ngành công nghiệp như: Điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng… phát triển mạnh, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân; một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ hình thành và phát triển; tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng.

Hệ thống các đô thị phát triển nhanh về số lượng, chất lượng và quy mô; hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư nâng cấp; diện mạo các đô thị của vùng ngày càng đẹp, văn minh, hiện đại với nhiều không gian đô thị mới và các công trình có điểm nhấn kiến trúc.

Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh nêu, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đến nay, có 7/11 địa phương đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương; quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước, nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước.

Đơn cử, Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực, đến nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và từng bước trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.

Nổi bật là, duy trì kinh tế liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 2005-2021 đạt 13,9%/năm; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 14,7%, đứng thứ 2 cả nước); quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách tăng nhanh, năm 2021 đạt 33.260 tỷ đồng, gấp hơn 19 lần năm 2005, đứng thứ 8 toàn quốc.

Phát triển công nghiệp của tỉnh đã và đang “là khâu đột phá”, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Quy mô công nghiệp tăng nhanh (hình thành 16 khu công nghiệp tập trung và 33 cụm công nghiệp; với diện tích 7.455 ha; đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như: Samsung, canon; Goertek, Amkor…) đã đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 91 lần năm 2005, đứng thứ nhất cả nước; tạo việc làm cho 450 nghìn lao động và thu hút các nhà đầu tư ở 38 quốc gia, vùng lãnh thổ vào Bắc Ninh. Sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp của tỉnh đã lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển công nghiệp của cả vùng, đặc biệt là các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương…

“Những kết quả trên đã tạo ra tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát triển và lan tỏa cùng các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, khẳng định vị thế của một khu vực trọng điểm của cả nước” - ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.

Cần lựa chọn kỹ càng các dự án đầu tư

Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, phát triển công nghiệp và hệ thống đô thị vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Công nghiệp vùng và các địa phương chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững; nội lực của nền công nghiệp còn yếu, phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp.

Ông Nguyễn Quốc Chung, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh chia sẻ tại hội thảo

Phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác; chưa tận dụng tốt được lợi thế trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; liên kết nội ngành, các địa phương trong công nghiệp còn nhỏ lẻ, rời rạc; cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm; năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt.

Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp ngày càng trầm trọng...

Phát triển đô thị nhiều bất cập; liên kết hệ thống đô thị vùng hạn chế; chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Tại hội thảo, các đại biểu đồng tình và thống nhất về các kết quả đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có sự đóng góp của lĩnh vực công nghiệp, đô thị. Bên cạnh đó, nhất trí về việc cần tăng cường sự liên kết phát triển vùng trong tương lai, bao gồm cả nội vùng và ngoại vùng.

Đồng thời, phải làm tốt công tác quy hoạch, tạo một thể thống nhất, đảm bảo sự đồng bộ cho cả vùng. Công nghiệp công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đô thị là xu thế tất yếu phải có nhận thức rõ ràng và phát triển thực chất. Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng phải gắn với sự phát triển của cả nước, trong đó, cần bám sát Nghị quyết của Đảng là nền tảng phát triển.

Ngoài việc thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực thì các tỉnh, thành cũng phải chú trọng về nguồn lực. Thu hút đầu tư có chọn lọc, kèm theo vấn đề an sinh xã hội. "Giờ là lúc lựa chọn kỹ càng dự án đầu tư, không chạy theo số lượng, làm sao tạo ra giá trị gia tăng cao nhất chứ không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp..." - ông Nguyễn Duy Hưng nêu.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Trong những năm đầu thu hút FDI, vốn đầu tư vào cả nước và đồng bằng sông Hồng chưa nhiều, năm 1995, vốn đầu tư vào đồng bằng sông Hồng mới đạt 40 triệu USD.

Song từ năm 2000 số vốn đầu tư vào đồng bằng sông Hồng bắt đầu tăng nhanh. Cụ thể, năm 2000 vốn FDI vào đồng bằng sông Hồng là 75,487 triệu USD, năm 2010 là 2,7 tỷ USD, đạt mức 7,5 tỷ USD năm 2017; năm 2019, tổng vốn FDI vào đồng bằng sông Hồng là 6.84 tỷ USD (tuy có giảm song vẫn ở mức cao so với cả nước).

Tính đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng hiện có 11.460 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 121,05 tỷ USD (chiếm 33,6% tổng số dự án và 30,2% về số vốn so với cả nước). Quy mô vốn bình quân trên 01 dự án là trên 10,5 triệu USD, thấp hơn quy mô vốn bình quân của cả nước là khoảng trên 11,7 triệu USD.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, vùng đồng bằng sông Hồng cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, manh mún thay bằng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tổng lực, dứt điểm, đo lường hiệu quả thiết thực; huy động các nguồn vốn theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.

Đặc biệt, cần thiết phải chuyển trọng tâm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho vùng đồng bằng sông Hồng từ số lượng sang chất lượng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí thu hút chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quỳnh Nga - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Bắc Ninh

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu Quốc hội: Cần thống nhất một đầu mối quản lý nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình, làm rõ về Luật Hóa chất (sửa đổi)

Tổng Bí thư và Phu nhân lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Malaysia

Kỹ sư dầu khí Việt kiều báo cáo Tổng Bí thư Tô Lâm kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo Malaysia

Tổng Bí thư và Phu nhân thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt ở Malaysia

Thảo luận về quản lý đầu tư, Thủ tướng nêu loạt vướng mắc và giải pháp từ doanh nghiệp ngành Công Thương

Tổng Bí thư hoan nghênh doanh nghiệp Malaysia đầu tư, làm ăn lâu dài ở Việt Nam

Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tiến độ Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Khẳng định Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đóng góp trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu

Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số

Sẽ quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo dòng vốn đầu tư

Sửa đổi Luật Hóa chất phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay

Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Viện Tim quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Malaysia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sắp thăm, làm việc tại Đan Mạch và Phần Lan

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long thị sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Xung lực mới nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Bulgaria