Vĩnh Phúc: Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp
Hơn 200 gian hàng, trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của 20 tỉnh, thành phố đã tham gia Hội chợ Công Thương Đồng bằng sông Hồng Vĩnh Phúc năm 2022 vào giữa tháng 10/2022.
Đây là dịp để các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cá tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như các doanh nghiệp trên cả nước đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, tăng cường giao thương, thiết lập quan hệ sản xuất kinh doanh nhằm đẩy mạnh chuỗi cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và kích thích tiêu dùng nội địa, góp phần hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm |
Thông qua sự kiện, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có thêm nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu với các tỉnh bạn về những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Công ty TNHH Thương mại và truyền thông quốc tế Giang Anh phối hợp với Trung tâm Phát triển Công Thương (Sở Công Thương Vĩnh Phúc) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tổ chức “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn" tại xã Hải Lựu với quy mô 60 gian hàng.
Tại phiên chợ, các mặt hàng được giới thiệu, trưng bày khá phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động thành tựu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng gia dụng, quần áo thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ... thu hút đông đảo người dân đến tham quan và mua sắm.
Được biết, đây là một trong 3 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Phiên chợ là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất và đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến khu vực nông thôn; giúp người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng tốt, phong phú về chủng loại với giá cả hợp lý.
Đại diện Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo kế hoạch tổ chức các nội dung xúc tiến thương mại ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh năm 2022, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về các hoạt động thương mại trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa Trung tâm Phát triển Công Thương, hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức một số hội chợ thương mại kích cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Tường; đưa hàng Việt về khu vực miền núi, nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương...
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm |
Tham gia các hội chợ do tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, ông Vũ Minh Tuân, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Hoạt Tuân, tỉnh Hưng Yên cho biết: Gia đình có hơn 20 năm làm nghề mộc mỹ nghệ với hàng ngàn sản phẩm được tiêu thụ khắp cả nước mỗi năm. Tại Vĩnh Phúc, đây là lần thứ 4 có gian hàng trưng bày và sẽ tiếp tục tăng số lượng sản phẩm trưng bày tại các kỳ hội chợ sau bởi Vĩnh Phúc là tỉnh phát triển, mức sống và nhu cầu mua các sản phẩm đồ mộc vừa mang yếu tố độc, lạ vừa có tính thẩm mỹ rất cao.
Trong một tuần diễn ra hội chợ, gia đình ông Vũ Minh Tuân đã bán được hơn chục con cóc ngậm tiền vàng, trâu vàng, rùa vàng bằng gỗ hương với giá dao động từ 4 - 5,5 triệu đồng/con. Ngoài ra, các sản phẩm như bộ tam đa, hổ, ngựa, tượng Phật Di lặc, các bức tranh phong thủy bằng gỗ… cũng thu hút rất nhiều khách đến xem và đặt mua.
“So với mọi năm, mức tiêu thụ sản phẩm đồ mộc mỹ nghệ tại hội chợ lần này tăng khoảng 10 -15%. Dự kiến trong 7 ngày diễn ra hội chợ, gia đình tôi sẽ thu được từ 100 - 150 triệu tiền hàng. Đây là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp có thêm động lực tích cực tham gia, đưa sản phẩm vào trưng bày tại các hội chợ”- ông Vũ Minh Tuân nói.
Trong khi đó, ông Văn Đình Linh - chủ cơ sở sản xuấtnước mắm Quang Linh, huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những ngày tham gia hội chợ, nhờ may mắn bốc thăm được vị trí ngay cổng ra vào nên gian hàng của gia đình anh thu hút được rất nhiều khách ghé qua đặt mua với số lượng bình quân từ 100 - 150 lít/ngày. Đặc biệt, ngoài nước mắm, các sản phẩm Quang Linh mang đến Vĩnh Phúc lần này như: Mắm tôm, cá chỉ vàng, mực, cá khô… cũng được nhiều khách mua.
Theo ông Văn Đình Linh, ngoài chất lượng sản phẩm, lượng hàng phong phú thì yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm tại các hội chợ chính là tinh thần, thái độ phục vụ khách hàng. Thay vì ngồi im, chờ đợi khách đến hỏi mua, anh và các nhân viên thường xuyên mời chào, giới thiệu sản phẩm và áp dụng chương trình khuyến mại đi kèm.
Theo ông Văn Đình Linh, với cách làm này, cơ sở nước mắm Quang Linh đã đón được nhiều khách hàng quay trở lại mua và ký thêm được đợt đặt hàng với các cửa hàng tạp hóa, các cơ sở kinh doanh hàng nông sản sạch, an toàn ở Vĩnh Phúc và một số tỉnh, thành trên cả nước.