Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo |
Nhiều mô hình thành công
Tại Hội thảo "Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương trong quá trình chuyển đổi và thực hiện cơ chế tự chủ" do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN sự nghiệp công lập, Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành rất tích cực triển khai thực hiện.
Ngay từ thời điểm cuối năm 2006, Bộ Công Thương đã hoàn thành phê duyệt phương án tự chủ cho 15 trong tổng số 24 viện thuộc Bộ, có 3 đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Quá trình triển khai Nghị định 115, Bộ Công Thương đã có những mô hình thành công như: Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, Viện Năng lượng, Viện Cơ khí… Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH&CN công lập có hai dấu mốc quan trọng, dựa trên hai căn cứ pháp lý hướng dẫn việc thực hiện: Giai đoạn 2005 - 2015, thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 và từ năm 2006 đến nay, thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016.
Theo đó, giai đoạn năm 2005 - 2012, Bộ Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương đã phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình hoạt động cho 21 viện. Hết năm 2015, tất cả các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Nghị định 115.
Đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định tại Nghị định 54, trong số 11 đơn vị, có 7 viện đảm bảo chi thường xuyên; 2 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức từ 30% - dưới 70%; 1 viện đảm bảo một phần chi thường xuyên ở mức trên 70%.
Tiếp sức cho tự chủ
Theo Vụ KH&CN, trong triển khai cơ chế tự chủ, các tổ chức KH&CN còn gặp khó khăn khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, nhất là máy móc, trang thiết bị phục vụ yêu cầu triển khai các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN công lập gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phần do những vướng mắc trong quá trình xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ KH&CN; xác định và giao quản lý tài sản nhà nước; thực hiện thế chấp vay vốn hoặc góp vốn liên doanh, liên kết; hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định, thuế sử dụng đất…
Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện máy và Dụng cụ công nghiệp - cho rằng, việc chuyển đổi các viện nghiên cứu cần được xem xét là quá trình chuyển đổi hình thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng không áp dụng như cổ phần hóa doanh nghiệp thông thường, mà cần có cơ chế riêng, đặc thù để các đơn vị vận dụng, triển khai. Đồng thời, khi xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi viện nghiên cứu, cho phép không tính giá trị tài sản phòng thí nghiệm, tài sản kết quả KH&CN vào giá trị thực tế phần vốn nhà nước, nhằm giảm gánh nặng cho các viện nghiên cứu sau cổ phần hóa.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu và có kế hoạch đầu tư theo chiều sâu nhằm hỗ trợ các tổ chức KH&CN nâng cao năng lực cũng như giám sát, tổng hợp đánh giá thường xuyên, hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ. |