Thứ bảy 27/04/2024 23:25

Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn

Anh Châu Thanh Triều với tóc dài, thân hình lực lưỡng, luôn nở nụ cười trên môi khi trò chuyện kể lại quá trình trồng thanh nhãn để bán xuất khẩu sang Mỹ.
Sơn La: Nghệ nhân U80 hồi sinh thương hiệu gốm Mường Chanh Nữ doanh nhân nâng tầm, lan tỏa thương hiệu quế hồi Việt Nam May 10 và câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia

Anh Châu Thanh Triều (52 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tiêu biểu TP Cần Thơ. Anh là con thứ ba trong gia đình có năm anh em; tốt nghiệp Trường Đại học Luật, có thời gian công tác trong ngành tòa án ở TP Cần Thơ. Sau đó, anh có thời gian dài làm trong ngành thủy sản ở các tập đoàn, công ty lớn. Thậm chí có thời điểm anh giữ chức tổng giám đốc một công ty thủy sản lớn ở miền Tây.

"Khi đó, đa phần tôi đều ở lại công ty, vài tuần mới về nhà một lần. Nói là làm tổng giám đốc nhưng thật ra tôi cũng chỉ làm thuê. Tôi cũng tự suy nghĩ, 20 năm đi làm thuê mình được gì, mất gì… Và các yếu tố khác như tình hình thủy sản khó khăn nên tôi quyết định xin nghỉ việc”, anh Triều chia sẻ và nói, thời gian làm trong ngành thủy sản cho anh nhiều kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài.

Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn
Anh Châu Thanh Triều (trái) và những trùm thanh nhãn vừa hái trong vườn

Nghỉ việc trong ngành thủy sản, anh Triều mua đất ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) nhưng không biết trồng cây gì cho phù hợp. Thời điểm này, anh gặp được lãnh đạo hội nông dân TP Cần Thơ và mời đi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp ở miền Tây. Trong đó, anh được tham quan các vườn thanh nhãn ở Bạc Liêu.

Tại đây, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu về cây thanh nhãn. Khác lạ là anh tìm hiểu kỹ về những thất bại của các chủ vườn trồng thanh nhãn. Bởi theo anh, chỉ những người từng thất bại khi trồng thanh nhãn họ mới đúc kết ra nhiều kinh nghiệm. “Tôi học những kinh nghiệm, tích lũy của những người trồng thanh nhãn đó. Điều đó giúp tôi tiết kiệm được 4-5 năm tìm hiểu về cây này”, anh Triều chia sẻ.

Sau quá trình tìm tòi và đúc kết, năm 2019, anh Triều quyết định trồng 1.500 cây giống thanh nhãn trên diện tích 3ha ở huyện Cờ Đỏ. Điểm đặc biệt là anh Triều chọn trồng cây thanh nhãn được ghép từ gốc của cây nhãn long tiêu đường (thuộc nguồn gốc cây nhãn tự nhiên), thay vì trồng cây giống từ thanh nhãn chiết cành.

Anh Triều lý giải, làm như vậy cây nhãn không bị bệnh chổi rồng, - một loại bệnh làm điêu đứng nhiều nhà vườn trồng nhãn.

Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn
Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn
Thanh nhãn trong vườn anh Triều trái to, vỏ và cơm dày, ráo, vị ngọt thanh

Theo anh Triều, thanh nhãn anh trồng từ khi ghép đến khi ra cây ra trái và thu hoạch mất gần 30 tháng. Dù thời gian sinh trưởng đến lúc cho trái vụ đầu tiên kéo dài nhưng cây được thừa hưởng những đặc tính tốt của nhãn rừng nên có sức sống bền bỉ, hạn chế được sâu bệnh. Cây sai trái, trái to, vỏ và cơm dày, ráo, vị ngọt thanh – đạt chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài.

"Trồng thanh nhãn mình phải có một kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng giai đoạn của cây. Tôi đang dần thay phân hóa học bằng phân hữu cơ – sinh học. Đặc biệt là dùng chế phẩm vi sinh để tăng cường chống chọi cho cây, nhất là về vấn đề phèn trong đất”, anh Triều nói và cho biết, anh được các giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình trồng thanh nhãn. Hiện, anh Triều đã mở rộng diện tích trồng nhãn lên 5ha, với 2.000 gốc.

Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn
Tỷ phú miền Tây kể chuyện bén duyên, làm giàu với trái thanh nhãn
Thanh nhãn của anh Triều được xuất khẩu sang Mỹ

Đến nay, vườn thanh nhãn của anh Triều đã cho thu hoạch được 2 vụ trái. Ở vụ đầu, anh thu được 16 tấn trái; vụ thứ hai sản lượng tăng lên 30 tấn. Giá xuất khẩu khá ổn định, vụ nhãn bán xuất khẩu đầu vụ 90.000 đồng/kg, giá thấp nhất khi vào chính vụ khoảng 55.000 đồng/kg.

Chia sẻ trách nhiệm, nâng cao uy tín

Anh Triều xác định trồng nhãn theo hướng canh tác nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường để đảm bảo chất lượng trái, tăng độ tin cậy với khách hàng. Hiện vườn nhãn của anh Triều đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và chính thức được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc và Trung Quốc.

Để tiện theo dõi, chăm sóc thanh nhãn, anh Triều lắp 20 camera quan sát vườn nhãn từ xa. Hằng tuần, anh xây dựng lịch trình chăm sóc vườn, bón phân, tưới nước để quản lý quy trình canh tác hiệu quả.

Do canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên anh Triều phải thuê nhân công cắt cỏ thay vì phun xịt thuốc diệt cỏ. “Nếu xịt cỏ thì mỗi năm mình chỉ tốn 10 triệu đồng, nhưng thuê nhân công cắt cỏ thì tốn 30 triệu đồng. Tôi xác định mình trồng để tạo ra trái thanh nhãn sạch, mẫu mã đẹp, chất lượng trái ngon, như vậy thì thương lái sẽ tự tìm đến với mình và mình đảm bảo được đầu ra, không sợ không bán được”, anh Triều bày tỏ và tiết lộ, trái thanh nhãn trong vườn của anh vừa để xuất khẩu và cũng cung ứng thị trường nội địa với tiêu chí nhãn sạch, chất lượng.

Hiện, mỗi năm trừ hết chi phí anh Triều thu lợi khoảng 500 triệu đồng từ 5ha thanh nhãn. Anh cũng đang dự định mở rộng thêm diện tích trồng cây này.

Anh Triều chia sẻ thêm: “Hiện nay, chủ trương chính sách nhà nước quan tâm đầu tư lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát triển ổn định trong hiện tại và tương lai lâu dài. Đây là thời cơ cho ngành Nông nghiệp Việt Nam, cho nông dân và cả các nhà xuất khẩu nông sản. Để tồn tại, phát triển bền vững, những tác nhân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp phải đặt trách nhiệm lên hàng đầu.

Người sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, đảm bảo an toàn cho người sử dụng sản phẩm thay vì chạy theo lợi nhuận trước mắt. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng chia sẻ trách nhiệm, nâng cao uy tín thay vì mua bán theo mùa vụ, ép giá thì xây dựng mối liên kết hài hòa, để cùng nhau phát triển"

Tin khác

Phiên bản di động