Buôn lậu, mua bán lòng vòng gây lãng phí, tiêu cực rất lớn
Thời gian qua, trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vấn đề lãng phí, tiêu cực, kém hiệu quả còn thể hiện ở nhiều nơi, ở nhiều vụ việc khác nhau. Nhắc lại các vụ việc buôn lậu xăng dầu lớn đã xảy ra thời gian qua như vụ buôn lậu 200 lít xăng dầu (trị giá hơn 2.596 tỷ đồng) trên biển do Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn cầm đầu; vụ buôn lậu xăng dầu với số tiền hàng chục tỷ đồng do Lê Tấn Hòa (SN 1976, Giám đốc Công ty TNHH vận tải xăng dầu Saigon Transco) cùng đồng bọn thực hiện… PGS. TS Ngô Trí Long -nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, song vấn nạn buôn lậu, buôn bán xăng dầu giả… vẫn còn diễn biến ở nhiều nơi, nhiều vụ việc. Nguyên nhân là lãi do buôn lậu xăng dầu rất lớn. Chưa kể, các loại xăng dầu buôn lậu có thể là loại không có chất lượng tốt, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
“Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Quốc hội, chi phí ban đầu hình thành giá xăng dầu chiếm từ khoảng 65% đến 77%, còn thuế các loại như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu chiếm từ 15% cho đến 29%; chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2% đến 2%. Chưa kể Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, nếu như không phải chịu các loại thuế phí, các đối tượng buôn lậu xăng dầu sẽ thu lợi rất lớn từ hoạt động kinh doanh xăng dầu” – PGS.TS Ngô Trí Long chỉ rõ.
Đồng ý kiến, TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, hiện thuế phí đang chiếm khoảng trên dưới 1/3 chi phí hình thành giá xăng dầu. Chính vì vậy, khi các vụ buôn lậu xăng dầu trót lọt, ngân sách nhà nước chịu thất thoát con số rất lớn. Đây là biểu hiện rõ ràng nhất của vấn nạn lãng phí, kém hiệu quả trong kinh doanh xăng dầu.
Theo các chuyên gia, xăng dầu là mặt hàng tác động đến mọi mặt đời sống, nên không thể một bước tiến lên cơ chế thị trường mà cần từng bước |
TS Lê Quốc Phương cũng chia sẻ, thời gian qua, việc cho phép thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau đã được các cơ quan thanh tra chỉ ra là gây đội chi phí, lãng phí nguồn lực cho xã hội.
Cụ thể, theo Thông báo kết luận số 15/TB-TTCP ngày 4/1/2024 của Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, quy định quyền được mua/bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với thương nhân đầu mối khác; giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau đã dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.
TS Lê Quốc Phương cho rằng, về bản chất, thương nhân phân phối không tạo ra nguồn cung xăng dầu, chính vì vậy, khi cho phép mua bán xăng dầu lẫn nhau sẽ tạo ra nguồn cung ảo trên thị trường. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng mua bán xăng dầu với nhau để vay vốn ngân hàng nhằm phục vụ những mục đích khác như đầu tư vào các lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… dẫn đến thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực cho doanh nghiệp, xã hội.
Hoàn thiện chính sách quản lý là hành lang quan trọng chống lãng phí, tiêu cực
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55). Nghị quyết cũng chỉ rõ mục tiêu đến năm 2045: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây được coi như một hiệu lệnh đưa công cuộc phòng, chống lãng phí lên tầm cao mới. Bài viết cô đọng của Tổng Bí thư đã truyền ra những thông điệp về việc quản lý, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực trong toàn xã hội; quyết tâm chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân… Trong đó có xăng dầu - một trong những mặt hàng kinh doanh vô cùng quan trọng của nền kinh tế.
Từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, bài viết sâu sắc của Tổng Bí thư, soi chiếu vào bức tranh tổng thể của hoạt động kinh doanh xăng dầu, có thể thấy, việc hoàn thiện chính sách quản lý là yếu tố quan trọng chống lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo đầy đủ xăng dầu cho phát triển kinh tế. Đây cũng là mục tiêu Đảng, Nhà nước, Chính phủ kiên định đưa ra trong các văn bản chỉ đạo điều hành.
Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến vấn đề kinh doanh xăng dầu. Ngày 13/1/2023, tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) khi nhà máy gặp sự cố (Ảnh: Cấn Dũng) |
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh, xăng dầu là một mặt hàng hết sức nhạy cảm và Chính phủ đã có nhiều quan tâm trong 20 năm nay. Minh chứng là bắt đầu từ năm 2003 với quyết định đầu tiên là Quyết định 187 về việc tổ chức kinh doanh xăng dầu, từ đó đến nay, chúng ta đã kịp thời xây dựng 5 nghị định để hoàn thiện cơ chế quản lý về hoàn thiện tổ chức kinh doanh xăng dầu. Đó là những Nghị định 55, Nghị định 84, Nghị định 83, Nghị định 95 (sửa đổi cho Nghị định 83) và Nghị định 80 vừa qua.
Nói như thế để thấy rằng, đây là lĩnh vực Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm và mỗi lần sửa đổi các Nghị định đều có những đánh giá về quá trình tổ chức thực thi và quản lý lĩnh vực xăng dầu. Chúng ta hoàn thiện cơ chế chính sách để làm sao đưa việc tổ chức quản lý và kinh doanh xăng dầu đi vào nền nếp.
Việt Nam cũng đã vượt qua những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới, và qua đó nhận ra những "nút thắt" lớn cần sửa đổi. Trong đó, mục tiêu là dần đưa xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngày 2/10/2024 (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tuy nhiên, tại sao lại không “một bước” đưa xăng dầu tiến hẳn lên thị trường mà phải “từng bước”, là bởi xăng dầu vẫn là mặt hàng kinh doanh đặc biệt, có tác động mạnh mẽ đến kinh tế vĩ mô.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nêu quan điểm, trước đây, giá xăng dầu được vận hành theo hướng Nhà nước tính toán, công bố giá trên cơ sở chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn thực hiện theo quy định của nhà nước. Thời gian tới, cơ quan soạn thảo chính sách đã có đề xuất để doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá trên cơ sở chi phí kinh doanh do Nhà nước quy định.
“Đối với vấn đề doanh nghiệp được tự tính toán và công bố giá xăng dầu, việc này tốt và phù hợp với thị trường xăng dầu Việt Nam. Về cơ bản nếu nhà nước cho phương pháp, định mức, thì doanh nghiệp cứ căn cứ vào đấy để tự tính toán, để mức giá cả không có mức biến động quá lớn. Với thị trường xăng dầu trong nước, việc dần dần cho doanh nghiệp tự chủ trong kinh doanh mua bán xăng dầu theo cơ chế thị trường sẽ là bài toán mà cơ quan quản lý phải tính đến và phải có bước chuyển tiếp dần dần. Trong các bước chuyển tiếp này, có lẽ việc cho các doanh nghiệp tính toán và công bố giá bán lẻ trong giới hạn quy định cũng là điều cần thiết trong giai đoạn này” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói. Đồng thời khẳng định, đây là bước đệm hoàn hảo cho việc giá xăng dầu dần vận hành theo cơ chế thị trường. Có thể, dư luận cũng hơi lo lắng về vấn đề này, vấn đề kia. Tuy nhiên, nếu không có những bước đệm như thế này, thì rất khó ổn định an ninh năng lượng trong tình hình phức tạp hiện nay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu. Nếu nhà nước buông lỏng quản lý sẽ gây nguy cơ rất lớn. Bởi hiện nay, ở Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng, chiếm đến 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực; nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%.
Đồng ý kiến, TS Lê Quốc Phương nêu rõ, về cơ chế tính giá xăng dầu, việc chuyển từ cơ quan điều hành quyết định giá xăng dầu trước đây sang giao cho doanh nghiệp kinh doanh - phân phối xăng dầu tính toán, công bố giá là phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc trước đây khi Nhà nước giữ quyền định giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.
“Việc trao quyền tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp song vẫn có sự quản lý của Nhà nước thông qua việc quy định chi phí tính giá được xem là bước chuyển mạnh, để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn tới cơ chế thị trường. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc nảy sinh trước đây khi Nhà nước định giá xăng dầu, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí thua lỗ” – TS Lê Quốc Phương nêu rõ.
Chống lãng phí, tiêu cực cũng là không để "lợi ích nhóm"
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong quá trình hoạch định chính sách về kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Bộ Công Thương) đã vô cùng cầu thị trong việc cố gắng để đưa mặt hàng xăng dầu từng bước vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, đây là mặt hàng rất đặc biệt, liên quan nhiều đến vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, phục vụ cho những yêu cầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở những khu vực đặc biệt. Đồng thời, là đầu vào của mọi ngành sản xuất, cho nên các chính sách còn gây nhiều tranh cãi, bàn luận.
Chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật đối với ngành nghề này cần phải được bàn luận một cách đa chiều, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, tiếp thu ý kiến đầy đủ để văn bản không có sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích, từ đó sẽ tránh được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong kinh doanh xăng dầu như các vụ việc xảy ra thời gian vừa qua.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Lê Quốc Phương cho rằng, cho dù xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nào, thì mục tiêu cao nhất đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu phải là đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của người dân. Khi xác định rõ ràng mục tiêu đó, cơ quan quản lý nhà nước phải có các chính sách để tránh các tồn tại đã được phanh phui thời gian qua như việc mua bán lòng vòng, gây đội chi phí, thậm chí là công cụ để một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp hưởng lợi bất chính, gây tổn hại nguồn lực của người tiêu dùng và toàn xã hội.
“Nguy hại của mua bán lòng vòng là gây nguồn cung ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm bắt được nguồn cung cụ thể trên thị trường để điều tiết kịp thời, dẫn đến đe dọa an ninh năng lượng” – TS Lê Quốc Phương nói.
PGS. TS Ngô Trí Long thì cho rằng, vấn nạn xăng dầu lậu vẫn là vấn đề đáng lo, gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như gây lãng phí nguồn lực lớn của nhà nước. Tuy nhiên, để khắc phục vấn đề xăng dầu lậu, không riêng một cơ quan nào có thể làm được mà cần sự phối hợp liên ngành của lực lượng công an, quân đội, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng quản lý thị trường, các địa phương…
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường xăng dầu, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ quan điều hành và các doanh nghiệp nên thành lập Sàn giao dịch xăng dầu. Khi có sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu lành mạnh, hoạt động giao dịch đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai, xăng dầu ở đâu rẻ, chất lượng thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ mua.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, khi lập Sàn giao dịch xăng dầu còn giúp quản lý được chất lượng xăng dầu, tránh nạn xăng dầu lậu, xăng dầu giả. Quan trọng là, thúc đẩy cơ chế cạnh tranh bình đẳng và công bằng.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh chiến lược, bên cạnh điện và khí đốt, được coi là “bánh mì” của nền kinh tế và là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, các các cơ quan chức năng đang quản lý mặt hàng này với đa mục tiêu, không chỉ đảm bảo cơ chế thị trường mà còn phải đảm bảo việc quản lý, điều hành của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển bền vững. Cho nên, hoàn thiện chính sách quản lý để lấp lỗ hổng, không để lãng phí, tiêu cực trong kinh doanh xăng dầu là hết sức cần thiết.
Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế để lành mạnh hoá thị trường xăng dầu