Triển khai cơ chế tự chủ: Thách thức không nhỏ
Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức KH&CN công lập có 2 dấu mốc quan trọng, dựa trên 2 căn cứ pháp lý hướng dẫn việc thực hiện: Giai đoạn 2005 - 2015, thực hiện theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 và từ năm 2016 đến nay, thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016. Trong đó, sự ra đời của Nghị định 54/2016/NĐ-CP đã giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các tổ chức về tài chính, thực hiện nhiệm vụ, quản lý và sử dụng tài sản… Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn phát sinh trong triển khai cơ chế tự chủ.
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), việc nâng dần mức độ chi thường xuyên, tiến tới đảm bảo 100% chi thường xuyên của các đơn vị đang có tỷ lệ thấp. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quản quản lý nhà nước sẽ cơ cấu lại nguồn ngân sách thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, gây áp lực lớn cho các viện. Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN gặp khó khăn khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, nhất là máy móc, trang thiết bị phục vụ yêu cầu triển khai các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Nhiều đơn vị, thiết bị máy móc được đầu tư từ những năm 1990 đã lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Song trước yêu cầu phát triển nhanh chóng về KH&CN, buộc các đơn vị phải có năng lực để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm nhiệm đúng vai trò dẫn dắt hoạt động KH&CN theo ngành, lĩnh vực... Đây là thách thức của các viện, và nếu không tiếp tục có sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là đầu tư theo chiều sâu, các đơn vị này sẽ rất khó khăn khi nâng cao mức thu sự nghiệp trong cơ cấu nguồn thu của mình.
Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN công lập vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi thành công ty cổ phẩn, do những vướng mắc xác định giá trị tài sản là kết quả của các nhiệm vụ KH&CN; xác định và giao quản lý tài sản nhà nước, thực hiện việc thế chấp vay vốn hay góp vốn liên doanh, liên kết; việc hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định, thuế sử dụng đất, đào tạo trình độ sau đại học, góp vốn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Theo quy định của Nghị định 54, việc áp dụng cơ chế tài chính chỉ áp dụng cho doanh nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Điều này dẫn đến khó khăn cho các viện khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Khó khăn trong việc trả tiền lương, tiền công để giữ chân cán bộ giỏi... Một số đơn vị có khả năng chuyển sang hình thức tự chủ về đầu tư và chi thường xuyên, tuy nhiên, các tổ chức này lại quan ngại về quy định phải bắt buộc có Hội đồng quản lý đối với mô hình.
Ngoài ra, thiếu cơ chế, chính sách về thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các tổ chức KH&CN nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu...; thiếu quy định việc cổ phần hóa công ty, trung tâm trực thuộc viện. Các quy định liên quan tới dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước còn vướng trong quá trình thực hiện, dẫn tới việc chậm chễ khi tính giá đầy đủ các dịch vụ sự nghiệp công…
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn dịch vụ KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; chuyển đổi, hình thành và phát triển các mô hình doanh nghiệp KH&CN. |