TKV thành lập khẩn cấp 3 tổ chỉ đạo phòng chống bão số 7
Tham gia họp trực tuyến tại đầu cầu Quảng Ninh |
Theo báo cáo nhanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tất cả đã cơ bản triển khai tích cực các phương án đối phó với cơn bão số 7. Tuy nhiên, để các phương án phòng chống bão số 7 được chủ động và bảo đảm tốt nhất, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) của TKV đã thành lập 3 tổ rà soát, chuẩn bị phương án phòng chống bão tại các khu vực tại Quảng Ninh, nhất là vùng trọng điểm sản xuất than ở miền Tây, Hòn Gai và Cẩm Phả. Theo đó, Ban chỉ đạo PCTT & TKCN tập đoàn đề nghị các tổ kiểm tra việc phòng chống sạt lở của bãi thải vùng Cẩm Phả và việc thoát nước tại các moong của các mỏ lộ thiên, nước tại các mỏ hầm lò, các khu dân cư do các đơn vị của tập đoàn quản lý đã xuống cấp. Đồng thời chú ý kiểm tra các kho than của từng đơn vị, công tác khơi thông rãnh nước, việc che chắn các kho than của các đơn vị kho vận cũng như đơn vị sản xuất chế biến than, nhằm tránh tổn thất than.
“Trong quá trình kiểm tra, lưu ý các tổ đặc biệt quan tâm đến vấn đề điện lưới và điện dự phòng của các đơn vị. Nếu bị mất điện lưới sẽ chạy điện dự phòng để phục vụ việc bơm nước trong moong, hầm lò và quạt gió" - đại diện Ban chỉ đạo PCTT & TKCN của TKV đề nghị.
Sau khi nghe Ban PCLB & TKCN của tập đoàn báo cáo về công tác chuẩn bị của các đơn vị, Tổng giám đốc TKV - Đặng Thanh Hải lưu ý, cơn bão Sarika được dự báo là mạnh nhất cho đến thời điểm này và đổ bộ vào nước ta đúng lúc đang xảy ra tổng hợp thiên tai ở nhiều nơi, nhất là khu vực miền Trung. Vì vậy, yêu cầu các đơn vị trên địa bàn vùng than Quảng Ninh cũng như các đơn vị đóng tại địa phương khác khẩn trương và tích cực triển khai thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo phòng chống bão của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo các địa phương, cũng như của tập đoàn. Từ tập đoàn cho đến các đơn vị thành viên, hoãn tất cả các cuộc họp để tập trung triển khai các phương án chống bão.
Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải cũng giao nhiệm vụ cho từng ban và các đơn vị. Cụ thể, đối với Ban PCLB & TKCN của TKV tiếp tục bám sát diễn biến bão, chỉ đạo các phương án kịp thời nhất. Các thành viên trong Ban PCBL & TKCN trực 24/24 giờ và tập trung chỉ đạo ở các vị trí trọng điểm, nhất là bãi thải. Đối với các đơn vị, trong đó đáng chú ý là 3 đơn vị kho vận, chủ động chỉ đạo phương tiện, vật tư, nhân lực… cho phòng chống bão, có phương án bảo vệ các kho than tuyệt đối không để mưa, hoặc sóng đánh trôi than. Đối với các công ty khai thác, chuẩn bị kiểm tra lại thật kỹ hệ thống bơm các moong nước, hệ thống thoát nước các moong nước tại các mỏ lộ thiên, hầm lò và hệ thống tiêu thoát nước các khu vực bãi thải. Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh khác, chú ý phương án phòng chống các khu vực trọng điểm khi bão đổ bộ và đặc biệt là hoàn lưu sau bão. Đối với các công ty chế biến than (Tuyển than Cửa Ông; Tuyển than Hòn Gai, các nhà máy sàng tuyển) tập trung cho công tác phân lũ dòng chảy. Đối với Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Hóa chất - TKV, vì có nhiều nhà máy điện trên địa bàn Quảng Ninh và các nhà máy hóa chất, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh Thái Bình - tâm bão đi qua nên lưu ý phải chủ động các phương án đối phó tốt nhất.
Ngay sau cuộc họp khẩn trực tuyến kết thúc, ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng giám đốc TKV, Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh - đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương về các công tác phòng chống bão số 7. Ông có thể cho biết, Quảng Ninh lãnh đạo trung tâm đã triển khai thực hiện chỉ đạo các phương án phòng chống bão số 7 như thế nào? - Quảng Ninh là trọng điểm của sản xuất và tiêu thụ than, nếu bão số 7 đổ bộ vào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh của TKV, cũng ảnh hưởng đến cung cấp than cho nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, ngay khi có thông tin về cơn bão số 7, TKV đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là vùng Quảng Ninh - địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, phải chuẩn bị các phương án đối phó cao nhất. 3 tổ chỉ đạo phải rà soát, chuẩn bị phương án phòng chống bão tại các khu vực tại Quảng Ninh, nhất là vùng trọng điểm sản xuất than ở miền Tây, Hòn Gai và Cẩm Phả đều phân công lãnh đạo tập đoàn trực tiếp làm tổ trưởng, để chỉ đạo sát sao nhất công tác kiểm tra các phương án ứng phó với bão số 7. Lo ngại nhất là việc tiêu nước khi có mưa to đột biến. Vậy trên cương vị là Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh, ông chỉ đạo vấn đề này ra sao? - Đúng là điều chúng tôi lo ngại nhất là nước. Nước sẽ ảnh hưởng đến các moong khai thác mỏ lộ thiên, ảnh hưởng đến khai thác hầm lò, nước gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản nên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các phương án với mục tiêu hạn chế tốt nhất tác động xấu của lưu lượng nước do mưa lớn, gây ảnh hưởng tới các công trình. Chẳng hạn, đối với các mỏ lộ thiên, chúng tôi có 2 yêu cầu: Thứ nhất, các mỏ chuẩn bị đủ các bơm phục vụ việc bơm nước dưới lòng moong lên. Thứ hai, khi mưa xuống thì bảo đảm toàn bộ nước bề mặt phải thoát đi hết, hạn chế tối đa nước bề mặt chảy vào lòng moong, nhằm giảm nguy cơ bùn nước đổ vào mỏ. Đối với đơn vị hầm lò, do tất cả bề mặt bị trũng hoặc nứt nẻ dễ bị nước chảy vào, chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục, không cho nước bề mặt chảy hoặc ngấm vào hầm lò, khai thông các sông suối để khi mực nước đột ngột tăng lên thì hạn chế chảy vào hầm lò và công trường. Về các thiết bị phục vụ cho bơm thoát nước, chúng tôi cũng chỉ đạo kiểm tra, bảo đảm an toàn các hầm chứa nước và hệ thống bơm nước. Để chống thất thoát than, yêu cầu các đơn vị phải dùng các bao than, bao cát che chắn, để phòng chống than bị trôi. Đồng thời cũng phải kiểm tra hệ thống đường xá, hệ thống thoát nước tại các khu dân cư tại các khu vực chân bãi thải, chủ động nắn dòng thoát nước khi mưa to đột biến, nhằm bảo đảm an toàn cho các mỏ và khu dân cư. Xin cảm ơn ông! |