Tinh gọn bộ máy trong kỷ nguyên vươn mình: Thấy gì từ những cuộc cắt giảm lịch sử?
Từ kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới…
Xuyên suốt quá trình sắp xếp bộ máy từ thời kỳ Đổi mới (năm 1986) đến nay, việc sáp nhập những cơ quan trung ương, bao gồm bộ ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp đã nhiều lần được thực hiện. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy Chính phủ đều được sắp xếp để phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ từng có 36 bộ, ngành trong giai đoạn 1992-1997, sau đó tăng lên 48 đầu mối vào nhiệm kỳ 1997-2002. Sang giai đoạn 2002-2007, số lượng giảm xuống còn 38 đầu mối, gồm 26 bộ và 12 cơ quan thuộc Chính phủ.
Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Tư liệu |
Nhìn lại quá trình lịch sử, Bộ Công Thương cũng là một trong những ví dụ điển hình về tinh thần sắp xếp bộ máy chính trị để tạo động lực phát triển. Cụ thể, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập Bộ Quốc dân Kinh tế (tiền thân của Bộ Công Thương) phụ trách các Sở Kinh tế, các Nha chuyên môn: Nha Thường vụ, Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ, Nha Tiếp tế...
Theo Lệnh của Chủ tịch Nước số 18-LCT ngày 26/7/1960 về danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong đó có: Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương. Các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, trong đó có: Tổng cục Địa chất, Tổng cục Vật tư.
Để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Bộ Công Thương cũng được chia tách, sáp nhập như Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than; chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành hai bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực. Sau đó, các cơ quan thuộc ngành Công Thương hiện nay tiếp tục được tách theo lĩnh vực cụ thể như Bộ Ngoại thương và Uỷ ban Kinh tế đối ngoại; sáp nhập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học vào Bộ Cơ khí và Luyện kim,…
Và đến tháng 7/2007, trong cuộc sắp xếp, sáp nhập bộ, ngành theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Sự kiện này được diễn ra sau khi nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư khóa X vào cuối tháng 1/2007: "Đối với tổ chức bộ máy của Chính phủ, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo tinh thần cải cách hành chính, bảo đảm tinh gọn và hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Chính phủ trong giai đoạn mới, phù hợp với cơ chế quản lý trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả".
Cũng vào thời điểm đó, Bộ Văn hóa - Thông tin được tách thành 2 ngành, trong đó ngành văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch tạo nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông trở thành Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau nhiều lần sắp xếp, sáp nhập, bộ máy Chính phủ đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ 2007 - 2011 đến nay, với 30 đầu mối gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Hội nghị triển khai các quyết định về công tác cán bộ của Bộ Công Thương năm 2023. Ảnh: Moit |
Nhìn sang thế giới, việc tinh gọn bộ máy đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình, Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia có hệ thống chính trị, văn hóa và kinh tế khác biệt, nhưng cả hai đều có những nỗ lực đáng chú ý trong việc tinh gọn bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.
Năm 2001, Nhật Bản thực hiện một cuộc cải tổ lớn khi số lượng các bộ và cơ quan trung ương giảm từ 128 cục xuống còn khoảng 90 cục. Các bộ có chức năng tương đồng được sáp nhập để tránh chồng chéo. Chẳng hạn, Bộ Y tế và Bộ Phúc lợi sáp nhập thành Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng sáp nhập thành Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch.
Cùng với đó, Nhật Bản ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính phủ điện tử từ những năm 2000, giúp giảm bớt các thủ tục giấy tờ phức tạp và cắt giảm nhân sự không cần thiết. Chính phủ quốc gia này cũng đặt ra giới hạn biên chế, đồng thời áp dụng cơ chế đánh giá năng lực để giảm số lượng công chức, tập trung vào chất lượng. Tinh gọn bộ máy giúp Nhật Bản giảm chi tiêu hành chính và tăng hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực như phúc lợi, giáo dục và giao thông.
Về Trung Quốc, để tinh gọn bộ máy, quốc gia này đã thực hiện hàng loạt cải cách kể từ cuối thế kỷ XX. Năm 2018, Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý một hệ thống khoảng 40 cơ quan bao gồm các bộ và ủy ban. Tuy nhiên, sau cuộc cải cách, Trung Quốc đã tiến hành sáp nhập và giảm số lượng các cơ quan này xuống chỉ còn 26.
Đồng thời, Chính quyền Trung ương Trung Quốc yêu cầu giảm số lượng cán bộ trong các cơ quan chính phủ, đặc biệt ở cấp địa phương. Điều này khuyến khích xã hội hóa một số dịch vụ công.
Từ những ví dụ trong nước và quốc tế, có thể thấy rằng, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là yêu cầu tất yếu của sự phát triển mà còn trở thành yếu tố then chốt giúp tối ưu hóa hiệu quả quản lý và đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Đối với Việt Nam, quá trình sắp xếp, sáp nhập các bộ, ngành đã tạo nên những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và cải thiện khả năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những thành tựu này, cần kiên định với mục tiêu xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu quả, song song với việc ứng dụng công nghệ số và cải cách hành chính, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thời đại mới.
Trong khi đó, bài học từ Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy rằng, việc xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực là yếu tố "sống còn" trong việc tinh gọn bộ máy. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, lấy người dân làm trung tâm luôn là kim chỉ nam trong mọi cải cách, bởi cuối cùng, mục tiêu lớn nhất của bộ máy nhà nước chính là phục vụ nhân dân một cách hiệu quả và thiết thực.
Nhìn về tương lai theo thực tiễn tại Việt Nam, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch và linh hoạt, đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Đến chỉ đạo mang tính lịch sử
Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/11. Ảnh: TTXVN |
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở; quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Như vậy, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống chính trị lần này được nhận định rằng có tính cấp bách, không thể chậm trễ. Theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị sẽ được hoàn thành vào quý I/2025. Mốc thời gian này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi chỉ hơn nửa năm nữa, Đại hội Đảng các cấp cơ sở sẽ bắt đầu diễn ra, tiến tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV dự kiến diễn ra vào năm 2026.
Nếu phương án triển khai muộn, việc sắp xếp công tác nhân sự sẽ trở nên phức tạp, đi ngược với quy luật. Triển khai tinh gọn bộ máy trước khi Đại hội Đảng lần thứ XIV diễn ra góp phần giúp hệ thống chính trị đủ điều kiện để bước vào giai đoạn mới, và như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đó là "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Đáng chú ý, tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở khi thực hiện tinh gọn hệ thống chính trị không có nghĩa là công cuộc sẽ diễn ra một cách cập rập, khó kiểm soát. Mà ngược lại, hoạt động triển khai tinh gọn gấp rút nhưng vẫn đảm bảo thông suốt từ Trung ương đến địa phương, không cầu toàn mà làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó. Điều đó chứng tỏ tính sáng tạo, tính khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng lần này.
Vì vậy, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, quá trình thực hiện cần theo dõi để phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, uốn nắn và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đã đề ra.
Với quyết tâm chính trị cao, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã có tuyên bố mang tính lịch sử về cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị. Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị của nước ta từ năm 1945 đến nay gồm ba khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các tổ chức chính trị xã hội.
Cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ vẫn sẽ là nguyên tắc bao trùm khi tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, sau hàng chục năm vận hành, hệ thống chính trị đã xuất hiện những tồn tại, một số vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn tới việc cần soi xét kỹ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức để có những quyết định chính xác, hiệu quả.
Vì cuộc cách mạng có thể đi kèm với những hy sinh lợi ích cá nhân. Nên Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập, nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Kế thừa và đột phá trong thực hiện nghị quyết của Đảng
Theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, việc tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị sẽ bắt đầu bằng việc tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017. Đây được nhận định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chủ trương này chỉ ra rằng việc sắp xếp lại hệ thống chính trị để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không chỉ có tính nhất thời, mà là sự kế thừa và phát huy những di sản của sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 25/11. Ảnh: TTXVN |
Nghị quyết số 18/NQ-TW tại Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII cũng là sự đúc kết tỉ mỉ, nhìn nhận rõ, minh bạch tồn tại của hệ thống chính trị. Nghị quyết nêu rằng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức còn chồng chéo, trùng lặp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý và đồng bộ. Vẫn còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ…
Cùng với đó, mặc dù đã quan tâm đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhưng hiệu quả tác động vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế chưa tương xứng. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập.
Đặc biệt, tinh thần gấp rút thực hiện tinh gọn bộ máy chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thể hiện sự nhất quán theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết. Cụ thể, nghị quyết nêu rõ việc sắp xếp bộ máy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp.
Nhìn lại lịch sử, sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, vị lãnh tụ V.I. Lênin cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng tổ chức hệ thống chính trị của chế độ mới. Người đã để lại những chỉ dẫn mang tính lý luận, thực tiễn vẫn còn có giá trị thời sự đến ngày nay về tầm quan trọng, tính cấp bách, nguyên tắc, phương hướng, cách thức tiến hành xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.
Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác ngoài tổ chức. Nhưng V.I.Lênin cũng cảnh báo rằng, lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ tổ chức; rằng “chính ở chỗ này, ở chỗ làm nhiệm vụ quan trọng nhất và khó khăn nhất này, mà chúng ta đã gặp nhiều thất bại nhất và mắc nhiều sai lầm nhất”.
Theo nhà lý luận chính trị V.I Lênin, một hệ thống tổ chức có nhiều bê trễ, thậm chí hư hỏng thì không những không thực hiện được mục tiêu tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà còn làm mất lòng tin của quần chúng. Do đó, điều quan trọng là tổ chức cần chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn. Bởi chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân thì mới có thể quản lý nhà nước hiệu quả.
Như vậy, có thể kết luận rằng, để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì hệ thống chính trị cần đảm bảo các yếu tố: Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả như trong bài viết mới nhất của Tổng Bí thư Tô Lâm được truyền thông trong nước và quốc tế dành nhiều lời ca ngợi.
Hoàn thiện hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua việc thực hiện mục tiêu này, Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, dẫn dắt đất nước đi lên, đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho quốc gia và nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của mỗi cá nhân và tổ chức.